Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị ĐBQH thảo luận ở tổ và hội trường về việc thực hiện Nghị quyết 30/2021 về các chính sách phòng chống dịch COVID-19, đề xuất chuyển tiếp thực hiện một số chính sách tại Nghị quyết 30 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Cần thấu tình, đạt lý
Báo cáo cho hay đã có 48 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ, 8 lượt tại hội trường và 1 ĐBQH gửi ý kiến bằng văn bản. Đa số các ý kiến thống nhất với nhiều nội dung được đánh giá rất thẳng thắn trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, báo cáo của Chính phủ và nhất trí cao với việc ban hành nghị quyết mới tiếp tục điều chỉnh các vấn đề đang đặt ra cho năm 2023.
Trong các ý kiến này, có ĐBQH cho rằng báo cáo của Chính phủ mới đề cập đến vai trò cấp Trung ương, chưa thể hiện vai trò của địa phương. Đề nghị cần đánh giá thêm, đặc biệt trong thực hiện phân cấp, phân quyền.
Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội khóa XV đang diễn ra |
ĐBQH cũng băn khoăn về mặt số liệu kinh phí phòng, chống dịch và cho rằng, báo cáo của Chính phủ còn chưa đầy đủ, mới phản ảnh thông tin của 48 địa phương, cần cụ thể hơn về số liệu.
Về đề xuất nội dung dự thảo nghị quyết mới của Quốc hội, một số ý kiến cho rằng, Nghị quyết 30 cho phép thực hiện biện pháp ngoài luật, đặc cách, đặc biệt, đặc thù, khi kiểm toán thì theo pháp luật hiện hành cũng cần xem xét, tính toán, cân nhắc và tạo điều kiện để tránh vướng mắc.
“Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung một điều quy định về việc nếu trong quá trình tổ chức thực hiện có tư lợi, vụ lợi thì xử lý, nhưng làm vì mục tiêu chung, vì sức khỏe cộng đồng, vì sức khỏe người dân trong thời điểm nguy cấp, không có tiền lệ thì phải xem xét cho thấu tình đạt lý” – báo cáo nêu.
Kéo dài một số chính sách hết năm 2023
Báo cáo cũng cho hay, một số ĐBQH thống nhất với việc kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2023 với hai biện pháp liên quan trực tiếp đến các việc thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Tuy nhiên các ĐBQH đề nghị Chính phủ tổng kết toàn diện công tác phòng, chống dịch, rà soát các lực lượng đã tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 nhưng chưa được hỗ trợ, tiếp tục quan tâm tới hỗ trợ chính sách đối với y tế, cán bộ y tế cơ sở, những người tham gia phòng, chống dịch cũng như vấn đề chăm sóc sức khỏe người dân hậu COVID-19.
Các ý kiến cũng đề nghị sớm có hướng giải quyết việc thanh toán, quyết toán đối với các trường hợp mà thủ tục, hồ sơ chưa đầy đủ do bối cảnh dịch bệnh, hướng dẫn đối với hình thức vay mượn, hoặc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế trong phòng chống dịch.
Đồng thời rà soát hành lang pháp lý liên quan đến những vướng mắc, tồn đọng để giải quyết dứt điểm, quy định cần rõ ràng, cụ thể, áp dụng được ngay. Có ý kiến đề nghị phải xác định rõ thêm thời điểm kết thúc, rà soát việc mua sắm trang thiết bị và việc quản lý, sử dụng các trang thiết bị khi dịch kiểm soát và có phương án để quản lý, sử dụng, tránh việc sử dụng không hiệu quả, lãng phí.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị chỉ cho phép kéo dài muộn nhất đến ngày 1-7-2023 là kết thúc việc chi trả thanh toán. Có ý kiến đề nghị giao trách nhiệm Chính phủ rà soát, có giải pháp tháo gỡ những vấn đề đang vướng mắc vì nếu kéo dài thời gian thực hiện mà không có biện pháp tháo gỡ thì vướng mắc vẫn xảy ra.
Về giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, một số ý kiến đồng tình với đề xuất của Chính phủ đưa quy định gia hạn vào nghị quyết mới của Quốc hội. Lý do là việc gia hạn này dù lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam nhưng thực tế đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh.
Có ý kiến đề nghị cần phân tích, nêu rõ, cụ thể nguyên nhân tiếp tục thực hiện việc gia hạn hết hiệu lực, hiệu lực về đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đến hết ngày 2024 và có những giải pháp cụ thể nếu không thì việc gia hạn số đăng ký mà hết thời hạn lưu hành này sẽ rất khó khăn.