Trong phiên họp sáng 9/1, Quốc hội thảo luận về bổ sung dự toán nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài; Bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021; Điều chỉnh dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; Điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.
Nội dung thảo luận là việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; Việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.
Ở các nội dung này, Chính phủ đề nghị tăng dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2022 của 7 địa phương thêm 226 tỷ đồng; tăng dự toán chi trả nợ gốc của tỉnh Bắc Kạn thêm 33,7 tỷ đồng để tỉnh có căn cứ thực hiện trả nợ trước hạn.
Chính phủ cũng đề xuất bổ sung dự toán NSNN năm 2021 nguồn viện trợ không hoàn lại (chi thường xuyên) số tiền 14.713,5 tỷ đồng, trong đó phần bổ sung dự toán cho các khoản viện trợ cho phòng chống dịch Covid-19 là 11.360,4 tỷ đồng; phần bổ sung dự toán cho các khoản viện trợ khác là 3.353,1 tỷ đồng.
Nội dung khác được đề xuất là giảm dự toán chi thường xuyên năm 2021 của Bộ Tài chính số tiền 2.268,3 tỷ đồng (trong đó, của Tổng cục Thuế là 1.134,8 tỷ đồng, của Tổng cục Hải quan là 1.133,5 tỷ đồng) và tăng tương ứng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2021 của Bộ tài chính (trong đó, Tổng cục Thuế là 1.134,8 tỷ đồng, của Tổng cục Hải quan là 1.133,5 tỷ đồng).
Đồng thời cho phép chuyển nguồn số kinh phí này sang năm 2023 để thực hiện đầu tư 95 dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, thời gian giải ngân đến hết ngày 31/12/2024.
Giữa kỳ họp, Chính phủ lại trình Quốc hội việc 24/54 địa phương đề xuất chuyển nguồn 5.016 tỷ đồng phòng chống dịch Covid-19 là đã được bố trí trong dự toán để chi cho phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 sang niên độ ngân sách năm 2022.
Phát biểu thảo luận tại hội trường về nội dung điều chỉnh vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) còn băn khoăn về thời gian giải ngân.
Đại biểu nêu rõ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ trường hợp được Quốc hội cho phép, đề nghị Chính phủ rà soát khẩn trương triển khai thực hiện để đảm bảo tính hiệu quả và khả năng giải ngân trong thời gian chỉnh lý ngân sách năm 2022 đúng quy định của pháp luật.
Song, thời gian chỉnh lý ngân sách hàng năm theo Thông tư số 85/2017 của Bộ Tài chính quy định kết thúc vào 31/1 năm sau.
“Như vậy, nếu hôm nay Quốc hội thông qua nghị quyết này thì chỉ còn 22 ngày nữa là đến 31/1/2023, các địa phương chỉ còn 9 ngày nữa để giải ngân hết toàn bộ số vốn được điểu chỉnh tăng dự toán, điều này là khó khả thi. Nếu không kịp thì mục tiêu của việc điều chỉnh là tạo điều kiện cho các địa phương sẽ không còn ý nghĩa”, đại biểu Nga phân tích.
Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính việc điều chuyển nguồn chi thường xuyên để thực hiện chi đầu tư phát triển nhưng các dự án của Bộ Tài chính không có trong danh mục đầu tư công trung hạn, mà phải sử dụng nguồn chi thường xuyên cho chi đầu tư phát triển, Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) băn khoăn liệu việc điều chỉnh lần này đã đủ tiền để thực hiện chi các dự án đó và các năm sau lại tiến hành điều chỉnh tiếp có phải là hiện tượng lách luật?
“Nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong việc “gác cửa” chưa nghiêm, trong khi kỷ luật, kỷ cương tài chính vẫn là căn bệnh trầm kha đến bây giờ vẫn chưa giải quyết được”, ông Hạ nói.
Do vậy, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính quan tâm, báo cáo với Quốc hội về nguyên nhân của tình trạng này. Bên cạnh đó, đại biểu cũng lo ngại về việc điều chuyển vốn vay của năm 2022 của các địa phương triển khai chậm, công tác lập, thẩm định chưa có chất lượng cao, chưa sát với thực tiễn.