Ngày 9-8, đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về "việc thực hiện nghị quyết 99/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2020 - 2022" đã làm việc với một số bộ.
Cụ thể, đoàn đã làm việc với các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công an.
Cả nước có khoảng 240 tiêu chuẩn liên quan phòng cháy, chữa cháy
Báo cáo tại phiên họp, đại diện các bộ cho biết trong giai đoạn 2020 - 2022, tình hình kinh tế cả nước được phục hồi và dần tăng trưởng.
Tại các thành phố lớn, đô thị hóa diễn ra nhanh kéo theo sự gia tăng về số lượng các khu dân cư, chung cư, nhà cao tầng, siêu cao tầng.
Song song với sự phát triển đó là những nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ và sự gia tăng về các tai nạn, sự cố, nhất là khi hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật ở Việt Nam còn chưa đồng bộ và nhiều bất cập.
Các tổ hợp công trình phức hợp, công trình ngầm, khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở sản xuất, dịch vụ, chợ, trung tâm thương mại... gia tăng cả về số lượng và quy mô.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, mức sống người dân được cải thiện, giá trị tài sản mỗi hộ gia đình tăng lên; các hoạt động sinh hoạt, sản xuất, việc sử dụng nhiên liệu, năng lượng, khí đốt ngày càng nhiều.
Những yếu tố trên đã có những tác động không nhỏ tới tình hình cháy, nổ, đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết cần giải quyết để tăng cường bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Tại buổi làm việc, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng đánh giá cao kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ Khoa học và Công nghệ về tổ chức nghiên cứu phát triển ứng dụng, phổ biến tiến bộ khoa học và công nghệ về phòng cháy, chữa cháy.
Như việc sản xuất những phương tiện nhỏ để phòng cháy, chữa cháy vì đặc điểm đô thị của chúng ta nhiều ngõ nhỏ, hẹp.
Tuy nhiên, qua giám sát, đại biểu cho biết chưa thấy địa phương nào tiếp cận đến các sản phẩm này. Ông Dũng đề nghị bộ cần hiện thực hóa vấn đề này, bởi nếu đề tài hiệu quả nhưng không được sử dụng đến thì rất lãng phí.
Liên quan Bộ Giao thông vận tải, ông Dũng cho rằng lĩnh vực của bộ quản lý xảy ra rất nhiều vụ cháy chưa cập nhật đầy đủ.
"Riêng ở Tiền Giang đã có 2 vụ cháy tàu rồi, mà nguyên nhân do chập điện, đây là nguyên nhân kỹ thuật. Đề nghị bộ quan tâm thống kê đầy đủ", ông đề nghị.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay cả nước có khoảng 240 tiêu chuẩn quốc gia có liên quan đến lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, trong đó các bộ chuyên ngành ban hành 41 quy chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Cụ thể như quy chuẩn 06 về an toàn phòng cháy cho nhà và công trình do Bộ Xây dựng ban hành còn gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Trách nhiệm ở đâu?
Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng - ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh - đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo rõ việc thực hiện quyết định số 630 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, trong đó có việc rà soát các quy chuẩn.
Theo ông Hùng, quy chuẩn 06 chỉ có tuổi thọ 1 năm nên gây khó khăn cho các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp phải ngừng việc hoặc giải thể.
“Vậy trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Công an như thế nào để hướng dẫn trong việc áp dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy?", tướng Hùng nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ làm rõ trách nhiệm trong tổ chức thẩm định quy chuẩn 06, trách nhiệm của các bộ trong việc xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới sau đó lưu ý các bộ cần bổ sung thêm số liệu, phụ lục cho đầy đủ, đặc biệt bổ sung, làm rõ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến bộ ngành mình phụ trách trong công tác này, từ đó đề xuất những giải pháp cụ thể cho những vướng mắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về một số vấn đề vướng mắc liên quan phòng cháy chữa cháy.