Ngày 29/4/1930, một người phụ nữ ở làng Yeongcheon, tỉnh Chungcheong Nam, lên núi hái thảo dược đã phát hiện thi thể cậu bé trong đống lá rụng. Bà vội vã chạy về làng báo tin. Hàn Quốc khi này đang bị chiếm đóng, cảnh sát Nhật Bản là những người đến hiện trường.
Cảnh sát đã chuyển thi thể đến bệnh viện thị trấn và bắt đầu khám nghiệm tử thi. Nạn nhân khoảng 15-16 tuổi, khuôn mặt bị tổn thương đến mức không thể nhận dạng, khắp người vẫn còn những vết bầm tím, dấu vết của vụ hành hung.
Theo kết quả khám nghiệm, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết do ngạt thở và thời gian tử vong trong vòng 72 giờ (ước tính ngày 26/4). Trong số đồ đạc quanh thi thể có một chiếc khăn tắm. Vì nguyên nhân do ngạt thở, cảnh sát cho rằng chiếc khăn này được dùng làm công cụ gây án.
Các vụ giết người hiếm khi xảy ra ở ngôi làng nông thôn này và thậm chí các vụ trộm cắp cũng rất hiếm. Cảnh sát cho rằng việc xác định nạn nhân và giải quyết vụ việc sẽ dễ dàng. Họ hỏi người dân có ai mất tích trong tuần qua và cái tên duy nhất, vừa hay phù hợp với nạn nhân, cậu bé Park Chang-soo, biến mất ngày 26/4.
Park Chang-soo khi đó 16 tuổi, sống cùng mẹ. Ban ngày, khi mẹ đi chạy bàn thuê cho quán ăn, cậu bé cũng gia nhập một nhóm ăn xin và làm việc vặt cho các nhà trọ trong khu vực.
Thi thể được trao cho mẹ của Park và bà xác định đó con trai mình, mặc dù quần áo có khác. Xác định được danh tính nạn nhân, cảnh sát bắt đầu điều tra thủ phạm; tập trung vào những người có hiềm khích với Park.
Theo dân làng, ngày 26/4, Park bị đánh đập bởi nữ chủ quán trọ tên Ko Ok-dan và người làm của cô ta, Cho Ki-jun. Cả hai đã bị bắt ngay sau đó và bị thẩm vấn trong hai ngày liên tiếp, buộc phải thú nhận tội.
Theo biên bản điều tra của cảnh sát, cô Ok-dan là vợ hai của đại gia họ Han, ở làng bên. Do bà vợ cả quá ghen tuông, ông Han phải mở một nhà trọ ở làng Yeongcheon này cho vợ lẽ kinh doanh, để hai bà không đụng độ nhau.
Có lẽ Ok-dan mới 20 tuổi, sắc vóc rất thu hút đàn ông khiến ông Han vô cùng bất an, ngày nào cũng qua lại giữa hai nơi để "canh vợ". Một hôm, được một gã trai trẻ rủ đi trốn, Ok-dan không từ chối, hứa hẹn "nhất định em sẽ suy nghĩ".
Theo biên bản lời khai của cô Ok-dan, cậu bé Park Chang-soo khi này đang chạy việc thuê cho quán trọ cô, nghe được cuộc trò chuyện và mách cho ông Han khiến cô bị chồng trách mắng thậm tệ. Ok-dan tức giận, lập mưu giết cậu bé.
Cô Ok-dan và Cho Ki-jun, gia nhân 35 tuổi, đưa Park lên núi vào ban đêm, đánh đập và siết cổ bằng chiếc khăn tắm.
Sau khi gửi hai nghi can đến Tòa án quận Gongju, cảnh sát đã giao thi thể của Park Chang-soo cho người mẹ. Bà chôn con ở nghĩa trang của làng.
Cô Ok-dan và đồng phạm lần lượt bị tòa phạt 15 và 10 năm tù vì tội Giết người.
Cuộc sống trong làng vẫn diễn ra bình thường sau vụ án nhưng 6 tháng sau, ngày 18/10, dân làng Yeongcheon hoảng hốt nghe thấy tiếng kêu thất thanh phát ra từ nhà của mẹ Park. "Có ma", bà hét lên.
Hàng xóm của bà vội vã chạy qua đến xem chuyện gì, vô cùng sửng sốt khi thấy Park Chang-soo đang đứng trước mặt mình, vẫn sống.
Cậu giải thích, ngày "mất tích", đúng là cậu có bị cô Ok-dan và Cho Ki-jun đưa đến sườn núi để đánh nhưng họ không cố gắng siết cổ cậu bằng chiếc khăn mà chỉ đấm đá bình thường. Park sau đó tạm ngất đi nhanh chóng tỉnh dậy.
Song Park nghĩ rằng nếu trở về, chắc chắn sẽ không sống yên thân với hai người kia nên quyết định đến một ngôi làng khác để làm thuê, sau đó lên Seoul làm người hầu.
Lương thấp và bị chủ đối xử tệ, Park bỏ việc hôm 6/10 và trở về quê hương mà thậm chí không biết rằng mình được coi là nạn nhân của vụ giết người.
Hệ thống Tư pháp Nhật Bản và cảnh sát đều bối rối khi Park trở về. Các công tố viên đổ lỗi cho cảnh sát điều tra và thẩm vấn kém chất lượng, trong khi cảnh sát đổ lỗi cho mẹ của Park vì đã nhận dạng sai thi thể.
Một phiên tái thẩm được tổ chức ngay sau đó, nơi cả hai bị cáo nói bị ép cung. Ngày 30/6/1931, hai người được trả tự do sau gần một năm mang tiếng oan giết người.
Sau đó, hai câu hỏi cấp bách nhất được đặt ra: Tại sao mẹ của Park xác định thi thể là con trai mình? Và quan trọng hơn là xác chết thuộc về ai? Chỉ có câu hỏi đầu tiên trong số hai câu hỏi này đã được trả lời.
Mẹ của Park giải thích ngay từ đầu đã biết đó không phải con mình. Các đường nét cơ thể, dù bị đánh bầm dập nhưng là người mẹ, bà chắc chắn đó không phải là Park. Song cảnh sát liên tục dùng đòn tâm lý ép bà thừa nhận để khép lại vụ án nhanh chóng.
Vì nạn nhân hóa ra vẫn còn sống và hai nghi phạm của họ hiện đã được chứng minh là vô tội, cảnh sát đã quay trở lại vạch xuất phát và miễn cưỡng mở lại vụ án để cố gắng xác định danh tính thi thể, tuy nhiên lúc đó đã quá muộn. Tất cả vật dụng được tìm thấy tại hiện trường bao gồm quần áo của nạn nhân đều được đưa cho mẹ của Park, người đã chôn các vật dụng này cùng với thi thể. Vụ án lại nhanh chóng chìm xuống.
Park Chang-soo sau đó tiếp tục cuộc sống nghèo khó của mình với mẹ trên đồng ruộng.
Nhiều giả thiết sau này cho rằng, rất có thể cậu bé Park đã chết thật, và người sau này trở về mới là mạo danh. Điều này nhanh chóng bị gạt bỏ, bởi việc mạo danh này không đem đến danh tiếng hay lợi ích vật chất gì. Mẹ Park là bà góa nghèo nhất làng.
Nhưng do chiếc khăn tắm trên cổ nạn nhân được xác định đúng là của cô Ok-dan, và thời gian gây án khoảng 19h tối, giả thiết khác được tính đến là Ok-dan và gã gia nhân đã nhầm cậu bé Park với một người khác. Họ đã không giết Park Chang-soo nhưng kỳ thực, có thể đã gây án với cậu bé vô danh nọ. Khả năng này cũng bị loại trừ, do chính Park Chang-soo nói 3 người họ lên núi với nhau cùng lúc nên không thể xảy ra trường hợp nhầm lẫn nạn nhân.
Hơn 90 năm trôi qua, sự việc này vẫn luôn là vụ án nổi tiếng và kỳ lạ trong lịch sử Hàn Quốc.
Hải Thư (Theo Shindonga, Namu)
Xem thêm: lmth.5266554-couq-nah-us-hcil-gneit-ion-ial-gnos-tehc-iougn-na-yk/ten.sserpxenv