Ngày 9-5, Trung ương Đoàn tổ chức tọa đàm "Thanh niên công nhân tiên phong áp dụng chuyển đổi số vào chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả lao động sản xuất kinh doanh" trong khuôn khổ giải thưởng "Người thợ trẻ giỏi" toàn quốc lần thứ XIV, năm 2023.
Anh Ngô Văn Cương - bí thư Trung ương Đoàn - nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược. Đây là bước đi quan trọng để thực hiện nền kinh tế số và xã hội số.
Do đó, 15 triệu công nhân Việt Nam, những công nhân, kỹ sư, thợ lành nghề, người trực tiếp sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ cho người tiêu dùng là lực lượng quan trọng cần thích nghi tốt nhất với quá trình chuyển đổi số.
Cùng đó, doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành truyền thống để phù hợp với một xã hội được chuyển đổi số.
"Doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là tổ chức Đoàn thanh niên có vai trò đồng hành, tạo lập môi trường để thanh niên nâng cao tay nghề, tiếp cận khoa học công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số vào công việc hằng ngày" - anh nói.
TS Nguyễn Xuân Hải, Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đánh giá hiện nay trình độ của thanh niên công nhân và lao động trẻ của Việt Nam ngày càng cao. Đây cũng là một ưu thế đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông cho biết tính đến năm 2021, tỉ lệ lao động trẻ (15-29 tuổi) đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 29,3%, cao hơn so với tỉ lệ chung 26,1% của cả nước.
Năng suất lao động của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức đặt ra khiến lao động trẻ Việt Nam không thể xem nhẹ. Trong đó có năng lực hội nhập quốc tế, khả năng tiếp biến văn hóa, ý thức kỷ luật trong lao động còn chưa cao và thiếu những định hướng rõ ràng cho phát triển sự nghiệp.
Đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phải là cuộc cải cách toàn diện. Làm sao để hướng đến giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ.
Xem thêm: mth.42032311190503202-os-iod-neyuhc-iov-ihgn-hciht-nac-us-yk-nahn-gnoc-ueirt-51/nv.ertiout