"Khi công ty được thành phố giải quyết cho mua 2 nhà đất, Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh và Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh có điện và nói cái nào không dùng thì bán cho Vũ” – bị cáo Huỳnh Tấn Lộc khai.
Ngày thứ hai xét xử Vũ Nhôm và hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng và các bị cáo khác, HĐXX chuyển sang phần xét hỏi các bị cáo.
Trả lời HĐXX, bị cáo Huỳnh Tấn Lộc, nguyên Tổng giám đốc Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng, cho rằng cáo trạng của Viện KSND Tối cao truy tố bị cáo “về cơ bản” là đúng, nhưng bị cáo không thừa nhận một số chi tiết nêu trong cáo trạng.
Huỳnh Tấn Lộc bị cáo buộc giúp sức cho Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) được mua nhà, đất số 37 Pasteur, TP. Đà Nẵng, gây thiệt hại cho Nhà nước tại thời điểm Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát hiện khởi tố điều tra là: 112.041.699.000 đồng.
“Các hành vi trong cáo trạng nêu, bị cáo đã có đơn giải trình gửi HĐXX và VKS. Bị cáo thấy cơ bản là đúng, nhưng có một số chi tiết chưa đúng” – Huỳnh Tấn Lộc trả lời HĐXX.
Trả lời HĐXX về đề xuất việc mua lại, chuyển nhượng lại nhà đất số 37 Pasteur (sau đó chuyển nhượng cho Vũ “nhôm”), Huỳnh Tấn Lộc cho hay đây là chủ trương của UBND TP. Đà Nẵng muốn bán lại cho doanh nghiệp đang thuê.
“Tôi thấy cái gì có lợi cho doanh nghiệp thì làm nên đã làm đơn xin mua 4 cái và được giải quyết 2 cái là 37 Pasteur và 57 Lê Duẩn” – bị cáo Huỳnh Tấn Lộc trả lời.
Về nhà, đất số 37 Pasteur, bị cáo cho rằng thành phố Đà Nẵng có chủ trương bán nhà đất này cho các doanh nghiệp đang thuê nên Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng làm đơn xin mua.
“Bản thân bị cáo chưa gặp Phan Văn Anh Vũ lần nào và cũng không quen biết Vũ. Khi công ty được thành phố giải quyết cho mua 2 nhà đất trên, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng là Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh và Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh có điện và nói cái nào không dùng thì bán cho Vũ” – bị cáo Huỳnh Tấn Lộc khai.
“Sau đó, Vũ có gọi điện để trao đổi mua 2 nhà đất đó. Lúc đầu, Vũ đề nghị mua luôn 2 cái nhưng bị cáo nói chỉ nhượng lại được 1 cái là 37 Pasteur”.
Khi được hỏi có thỏa thuận gì với Phan Văn Anh Vũ hay không, Huỳnh Tấn Lộc cho hay chỉ bán cho Vũ tài sản trên đất bởi công ty đã mua, còn lô đất 37 Pasteur, nếu Vũ mua, sau khi công ty bán tài sản trên đất sẽ giúp cho Vũ làm các thủ tục được nhận chuyển nhượng lô đất đó.
Nhà đất này có diện tích 968m2, trên đất có tài sản gồm nhà cửa, kho bãi. Thời điểm trước khi đề nghị thành phố bán lại nhà đất này, Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng đã thuê nhà đất này được gần 20 năm để phục vụ mục đích kinh doanh của công ty.
“Chủ trương bán nhà đất công sản của TP Đà Nẵng, công ty của bị cáo là đối tượng được mua. Công ty không có ý định bán cho Vũ, nhưng khi được giải quyết bán cho lô đất, Vũ có gọi điện xin mua. Việc chuyển nhượng lại ngay sau khi TP giải quyết cho mua, công ty được trả hơn 1 tỉ đồng từ Vũ, trong đó có 500 triệu đồng là tài sản trên đất, hơn 500 triệu là tiền di dời và bảo quản tài sản” – bị cáo thừa nhận.
Mặc dù vậy, Lộc thừa nhận bản thân bị cáo không được lợi gì mà chỉ hoàn toàn có lợi cho công ty. Tại thời điểm đó, bị cáo không biết giá trị sử dụng đất bởi BĐS Đà Nẵng đóng băng nên rất khó bán.
Về phần cáo trạng của VKS, Huỳnh Tấn Lộc cho rằng khoản tiền 837 triệu đồng là tiền lợi nhuận trước thuế khi chuyển nhượng tài sản trên đất cho Vũ, không phải tiền hoa hồng Vũ trả cho công ty. Sau khi bán xong, công ty đã đóng thuê 182 triệu đồng.
Xem thêm: ofni.140823tsop-mohn-uv-ohc-ahn-nab-oab-neid-iog-gnan-ad-hcit-uhc-uht-ib/nv.tenofni