Chiều 9-1, với 449/489 đại biểu tán thành (chiếm 90,52%), Quốc hội đã thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với nhiều điểm mới trong phát triển vùng động lực kinh tế.
Có tới 29 đại biểu không tán thành và 11 đại biểu không biểu quyết.
Quy hoạch vừa được thông qua có 15 điều, đi kèm với danh mục 8 dự án quan trọng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quan điểm phát triển bao trùm, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phát huy tối đa lợi thế quốc gia, địa phương, nâng cao chất lượng thể chế, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường...
Quy hoạch tổng thể quốc gia xác lập các vùng động lực kinh tế
Đáng chú ý, quy hoạch mới sẽ chú trọng tổ chức không gian phát triển trọng tâm trọng điểm. Các vùng, hành lang kinh tế, hệ thống đô thị phải gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, gắn kết khu vực đất liền và không gian biển, khai thác không gian ngầm…
Trong báo cáo giải trình tiếp thu do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày trước khi đại biểu bấm nút, nêu rõ quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch mang tính chiến lược.
Quy hoạch để xác định không gian phát triển, chú trọng việc phân vùng, liên kết, xác định vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng…
Trên thực tế, điểm nhấn của quy hoạch vừa được thông qua cũng xác định rõ các vùng động lực tăng trưởng, các hành lang kinh tế theo không gian kinh tế.
Cụ thể, tổ chức không gian phát triển đất nước thành 6 vùng; tổ chức các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia.
Trong đó, vùng động lực phía Bắc sẽ gồm Hà Nội và các huyện dọc theo trục quốc lộ 5 và quốc lộ 18. Vùng sẽ đi đầu trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số.
Vùng động lực phía Nam gồm TP.HCM và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục quốc lộ 22, quốc lộ 13, quốc lộ 1, quốc lộ 51.
Đây sẽ là vùng dẫn đầu cả nước và hàng đầu khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Vùng động lực miền Trung sẽ phát triển đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế.
Miền Trung cũng sẽ trở thành trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu quốc gia, công nghiệp ô tô, phụ trợ ngành cơ khí...
Vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm Cần Thơ và các địa phương lân cận sẽ là trung tâm dịch vụ, du lịch, logistics, công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp.
Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định động lực cho TP.HCM là công nghệ cao, đổi mới sáng tạo
Về định hướng phân bố các khu vực lớn, cùng với Hà Nội là đô thị thông minh, đầu tàu trong khoa học, công nghệ thì TP.HCM sẽ là chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, trở thành trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh trong khu vực.
TP.HCM sẽ đi đầu về công nghiệp công nghệ cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục, đào tạo, y tế chuyên sâu và là đầu mối giao thương với quốc tế.
TP.HCM sẽ khai thác không gian ngầm với quỹ đất đô thị, khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển khu vực Thủ Đức, Cần Giờ trở thành động lực tăng trưởng mới cho TP.HCM.
Gắn với phát triển các đô thị là hạ tầng giao thông. Bao gồm xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Xây dựng các cảng biển cửa ngõ như cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM), mở rộng cảng hàng không Tân Sơn Nhất…
Đến năm 2050 GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD; tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 - 75%;
Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt từ 0,8 trở lên, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia đang còn có tình trạng liệt kê tổng hợp các quy hoạch, ôm đồm nhiều nội dung giống nhau.