Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam xin thôi nhiệm vì lý do gì?
Chiều 9/1, tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV, phóng viên nêu câu hỏi, Tờ trình miễn nhiệm hai Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam có ghi là theo nguyện vọng cá nhân, xin hỏi đó là nguyện vọng cá nhân gì?
Ông Vũ Đức Đam có đơn xin thôi chức vụ, nghỉ công tác; ông Phạm Bình Minh sau đó cũng có đơn xin thôi nhiệm vụ đại biểu; vậy có thể xem ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam từ chức theo Quy định 41 về từ chức hay không? Nếu có thì từ chức vì lý do gì?
Trả lời câu hỏi này, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, căn cứ quy định của Đảng, Nhà nước, tại kỳ họp này đã quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội với ông Phạm Bình Minh và ông Lê Minh Chuẩn; đồng thời, phê chuẩn miễn nhiệm chức danh Phó thủ tướng với các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam.
Sau đó, Quốc hội thực hiện phê chuẩn bổ nhiệm chức danh Phó thủ tướng với các ông Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang.
"Các quy trình đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Về lý do, Quốc hội miễn nhiệm đối với ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung này đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét cân nhắc thận trọng và tính toán nhiều mặt", ông Tuấn Anh nói.
Nguyên Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam |
Ông Tuấn Anh từ chối cung cấp thông tin về "nguyện vọng cá nhân" của hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam và cho rằng đó là vấn đề cá nhân của hai ông.
Báo chí cũng đặt câu hỏi: việc miễn nhiệm chức danh Phó thủ tướng đối với hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam có liên quan gì đến công tác phòng chống tham nhũng hay không. Về vấn đề này, ông Tuấn Anh trả lời rằng: Không liên quan gì, công tác phòng chống tham nhũng vẫn đang làm thường xuyên, ai sai đến đâu xử lý đến đấy, không có vùng cấm, đúng theo quy định của pháp luật.
Thông tin thêm về vấn đề này, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, theo chủ trương chung của Đảng và được Nhà nước, công tác cán bộ là việc hệ trọng nhưng cũng là công việc thường xuyên, "có lên có xuống, có vào có ra".
Hiện nay, chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị cũng nói rõ trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư.
Toàn cảnh buổi họp báo |
Với trách nhiệm nêu gương, nếu có vấn đề sức khỏe không đảm bảo, hay uy tín giảm sút thì xin thôi và cấp có thẩm quyền khi đó sẽ xem xét miễn nhiệm nhiệm vụ được giao của cán bộ.
Còn nếu nói là từ chức, ông Cường nói theo quy định, từ chức là thôi giữ chức vụ khi hết nhiệm kỳ hoặc khi chưa hết nhiệm kỳ được bổ nhiệm. "Giữa hai nội hàm này cần xem xét, nghiên cứu để xem có điểm tương đồng, nhưng ở đây, theo nghị quyết của Quốc hội là miễn nhiệm", ông Cường nói.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng thời giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Cũng tại cuộc họp báo, báo chí đặt câu hỏi về việc Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà vừa được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng, vậy việc kiện toàn chức danh Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường sẽ được tính toán như thế nào.
Trả lời, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét kiện toàn nhân sự Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường.
Tân Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang |
Ông Tuấn Anh nói rằng, công tác cán bộ cần sắp xếp, tính toán, lựa chọn rất thận trọng và thông tin: "Trước mắt, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đồng thời giữ chức Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho tới khi có quyết định mới, nhân sự thay thế".
Trước đó, trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp diễn ra chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, công tác nhân sự tại Kỳ họp đã được thực hiện bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục đúng quy định.
Việc phê chuẩn việc miễn nhiệm hai Phó thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn bổ nhiệm Phó thủ tướng Chính phủ đối với bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục với sự đồng thuận, thống nhất rất cao, theo Chủ tịch Quốc hội.