Mỗi khi năm hết Tết đến thấy dòng người đổ về miền Tây, ra miền Trung, miền Bắc là người ở lại TP.HCM như tôi lại thấy nao nao... Chỉ vài ngày nữa thôi là thành phố sẽ vắng dần, rồi ngày 30, mùng 1 trở nên yên tĩnh lạ lùng vì chỉ còn những người "ăn Tết ở thành phố".
TP.HCM là thành phố nhập cư. Đa số người dân ở TP.HCM ai cũng có một miền quê, là nơi mà mỗi dịp Tết là trở về và cũng là nơi gợi nhớ thời thơ ấu bên gia đình, dòng họ. Nhưng rồi xa quê lâu năm, ông bà cha mẹ khuất xa, họ hàng bà con cũng vắng dần... Vậy là thành phố này trở thành quê hương.
Mấy năm nay lịch nghỉ Tết thường được "linh động" kéo dài hơn, song người ở TP.HCM tranh thủ những ngày trước Tết đi thăm viếng biếu tặng quà Tết cho bà con, bạn bè. Còn "ba ngày Tết" là ngày dành cho gia đình ruột thịt, bởi cả năm ai cũng đi làm theo "giờ hành chính", theo ca kíp. Ở nhiều cơ quan, công ty hết việc nhân viên mới nghỉ chứ không phải hết giờ hay hết ngày làm việc.
Lối sống đô thị - công nghiệp làm cho người thành phố lúc nào cũng khẩn trương vội vã, mấy ngày Tết chính là cơ hội để có thể "sống chậm", tận hưởng tình cảm gia đình và thư giãn tinh thần bằng nhiều sinh hoạt văn hóa nghệ thuật.
Bây giờ Tết ở thành phố vẫn còn nhiều tục lệ như ở thôn quê. Nét xưa mỗi gia đình thành phố còn gìn giữ tuy không quá câu nệ. Ngày 23 nhộn nhịp từ chợ búa đến những con hẻm, khu chung cư đều cúng đưa ông Táo về trời, nhiều người mang cá chép thả xuống kênh rạch đã sạch hơn trước, sau đó đi tảo mộ ở nghĩa trang hay lên chùa thắp nhang cho người thân đã khuất núi.
Gia đình quây quần trong bữa cơm tất niên, ba ngày Tết luôn có mâm cơm đưa rước ông bà. Nhiều gia đình trẻ chọn việc đi du lịch những ngày đầu năm mới nhưng trước đó không quên thăm viếng ông bà cha mẹ. Đâu phải tự nhiên mà đường hoa Nguyễn Huệ từ nhiều năm nay luôn tái hiện cảnh thôn quê dân dã, thu hút rất đông người thành phố đến tham quan vui chơi... Bởi vì đó chính là quê hương mà người thành phố vẫn mang theo trong ký ức.
Tết thành phố còn là "mùa nhân ái" vì có nhiều hoạt động xã hội, nhiều cơ hội để người thành phố chia sẻ với nhau và giúp đỡ những miền quê. Nhiều nhóm thiện nguyện mang đến cho người lang thang cơ nhỡ những món quà thiết thực như áo ấm, chăn mền cho những đêm trời gió chướng se lạnh, bao lì xì nhỏ như lời chúc may mắn trong năm mới. Từ thành phố nhiều đoàn xe chạy về các vùng thôn quê nơi còn bao người thiếu thốn, tặng bà con chút quà Tết cho bà con vơi bớt những lo toan vất vả cả năm.
Năm nay thời tiết TP.HCM khá đặc biệt, tháng chạp trời se lạnh mà vẫn có những cơn mưa trái mùa. Một người bạn nói với tôi: Tiết trời này ngồi cà phê ngắm Sài Gòn thì tuyệt... Rồi lại nói luôn: Mưa trái mùa kiểu này người trồng hoa ở miền Tây, miền Trung sẽ lo lắm đây! "Người thành phố nào cũng có một nhà quê" đâu phải chỉ là một quê nhà cụ thể, mà chính là sự gắn bó rất đời thường như vậy đó.
Gần nửa đêm một ngày đầu năm 2023, đồng hồ chuẩn bị điểm sang ngày mới. Chị Liễu dừng xe đạp bên quán ăn trên đường Hoàng Sa (quận Bình Thạnh, TP.HCM), nở nụ cười mời khách mua xoài lắc, bánh tráng trộn...
Xem thêm: mth.30641548001103202-ohp-hnaht-o-tet-na/nv.ertiout