Ngày 10-1, Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tư pháp - phong trào thi đua yêu nước năm 2022 và triển khai chương trình công tác năm 2023.
Tạo thuận lợi cho người dân trong thủ tục hành chính
Ông Nguyễn Triều Lưu, Trưởng phòng Hộ tịch - Quốc tịch Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết trong giai đoạn 1 về triển khai xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở của TP.HCM, Sở TT&TT và Sở Tư pháp cùng phối hợp đã có 11.722.338 hồ sơ hộ tịch của người dân được số hóa.
Trong đó, 11.138.909 hồ sơ đăng ký trước ngày 1-1-2016 đủ điều kiện chuyển chính thức lưu trên cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp. Đến nay đã đồng bộ vào hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp đạt 97%.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đánh giá cao sự nỗ lực của cán bộ tư pháp TP.HCM trong việc sớm hoàn thiện số hóa dữ liệu hộ tịch phục vụ người dân. Ảnh: HỮU ĐĂNG |
Theo đó, khi dữ liệu hồ sơ hộ tịch của người dân trên địa bàn TP.HCM được số hóa thì từ tháng 6-2022, Sở Tư pháp TP.HCM đã bắt đầu triển khai thực hiện cấp bản sao giấy tờ hộ tịch (trích lục kết hôn, bản sao giấy khai sinh…) cho cá nhân, không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú của người yêu cầu. Đồng thời, cũng thực hiện giảm các loại giấy tờ về hộ tịch phải nộp khi người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại Sở Tư pháp và UBND cấp huyện, cấp xã.
“Sau ba tháng triển khai, Sở Tư pháp và các cơ quan đăng ký hộ tịch tại TP.HCM đã cấp được 205.805 bản sao giấy tờ hộ tịch từ dữ liệu số hóa sổ hộ tịch của TP.HCM. Bước đầu được dư luận, người dân đồng tình, đánh giá cao, tạo nhiều thuận lợi cho người dân trong các thủ tục hành chính liên quan đến hộ tịch” - ông Lưu thông tin.
Về lĩnh vực bổ trợ tư pháp, năm 2022 Sở Tư pháp TP.HCM thực hiện thí điểm kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng và cơ sở dữ liệu địa chính. Bên cạnh đó, bảy phòng công chứng (trực thuộc sở) trong năm đã thực hiện 146.697 hồ sơ công chứng (tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2021).
Nỗ lực hoàn thành sớm số hóa dữ liệu hộ tịch
Ông Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đánh giá cao việc số hóa dữ liệu hộ tịch và cấp bản sao giấy tờ hộ tịch cho người dân tại TP.HCM. Mặc dù phải xử lý một khối lượng công việc lớn nhưng các cán bộ tư pháp đã nỗ lực để hoàn thành sớm số hóa dữ liệu hộ tịch giai đoạn 1 của TP.
Ông Khôi cho biết năm 2022 là một năm rất đặc biệt, là một năm mà chúng ta phải thực hiện phục hồi kinh tế - xã hội sau tác động của đại dịch COVID-19. Đồng thời, cả nước cũng như TP.HCM phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, tác động rất lớn đến sự phát triển của kinh tế - xã hội nói chung và triển khai các nhiệm vụ của ngành nói riêng.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng đề nghị trong năm 2023 Sở Tư pháp TP.HCM tập trung vào một số nhiệm vụ. Cụ thể là tiếp tục phát huy vai trò, hỗ trợ pháp lý cho Thành ủy, UBND TP.HCM, giúp chính quyền TP có những chủ trương, quyết sách tốt, thúc đẩy và tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về hỗ trợ tư pháp, hành chính tư pháp; chú trọng kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm và đề xuất giải pháp phòng ngừa hiệu quả, hạn chế vi phạm trong các hoạt động này.
Tiếp đến là thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính trong các lĩnh vực công tác tư pháp…
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, tiếp nhận những đóng góp, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tư pháp. Đồng thời, ông cho biết trong năm 2022 ngành tư pháp TP.HCM luôn được Bộ Tư pháp, Cục Công tác phía Nam quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời.
Kiểm tra, xử phạt 431 triệu đồng
Theo báo cáo tổng kết, trong năm 2022 Sở Tư pháp TP.HCM đã thành lập bảy đoàn thanh tra, kiểm tra, bốn đoàn thanh tra chuyên ngành (đạt 100% kế hoạch thanh tra năm 2022). Ngoài ra, đơn vị tiếp nhận 371 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị (tăng 26,9% so với năm 2021). Đồng thời, ban hành 50 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt 431 triệu đồng.