Tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 mới đây, Cục Thuế TP HCM cho hay số nợ thuế trên địa bàn thành phố tăng khá cao. Đa số những doanh nghiệp (DN) nợ thuế lớn đều thuộc lĩnh vực bất động sản.
Kiến nghị giãn, hoãn thời gian nộp thuế
Cụ thể, tính đến ngày 30-11-2022, tổng số nợ thuế trên địa bàn lên tới 43.918 tỉ đồng, tăng 4.622 tỉ đồng so với thời điểm 31-12-2021, tương ứng mức tăng 11,76%. Cơ cấu theo nhóm nợ bao gồm nợ trên dưới 90 ngày là 20.372 tỉ đồng, tương đương 46,4% tổng số nợ; nợ khó thu 12.973 tỉ đồng, tương đương 29,5%; nợ đang khiếu nại 8.831 tỉ đồng, tương đương 20,1% và nợ đang xử lý là 1.742 tỉ đồng, tương đương 4%.
Việc các dự án gặp vướng mắc về pháp lý, vướng về cách tính tiền sử dụng đất là một trong những nguyên nhân gây nợ đọng về thuế .Ảnh: TẤN THẠNH
Lãnh đạo Cục Thuế TP HCM cho biết nguyên nhân nợ thuế tăng cao do tiền thuế nợ của 2 DN đang khiếu nại tiền thuê đất, tiền sử dụng đất khu đất Thủ Thiêm 8.774 tỉ đồng, trong đó Công ty Thế kỷ 21 nợ 6.098 tỉ đồng, Công ty Thuận Việt 2.676 tỉ đồng. Kế đến là các DN có số nợ thuế lớn đáng kể như: Công ty Golden Hill (quận 1) 645 tỉ đồng, Khách sạn Tân Hoàng Minh (quận 1) 160 tỉ đồng, Công ty Hưng Thịnh Land (quận 3) 351 tỉ đồng, Tập đoàn Hưng Thịnh (quận 3) 116 tỉ đồng, Tập đoàn Đất Xanh (quận Bình Thạnh) 185 tỉ đồng, Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà (TP Thủ Đức) 442 tỉ đồng, Công ty Quốc Lộc Phát (TP Thủ Đức) 147 tỉ đồng, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (TP Thủ Đức) 106 tỉ đồng. Gần như toàn bộ những DN có nợ thuế lớn đều hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Trong số này có Công ty Thế kỷ 21 nợ thuế hơn 6.000 tỉ đồng, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động đây là trường hợp liệt vào danh sách còn đang kiến nghị, chờ tháo gỡ. Theo đó dự án mà công ty này triển khai tại TP Thủ Đức đã hoàn tất và bàn giao cho cư dân nhiều năm nay. Tuy nhiên, trong công tác phê duyệt phương án giá đất của dự án chưa được thống nhất giữa công ty này và cơ quan chức năng nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan, kéo dài cho đến nay. Đến thời điểm này, công ty vẫn đang làm việc với các cơ quan chức năng liên quan để tìm ra phương án phù hợp.
Luật sư Lương Văn Trung, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nhận định trong bối cảnh kinh doanh gặp khó khăn, đặc biệt là giai đoạn hậu COVID-19, DN nợ thuế ngày càng nhiều là tất yếu. DN này nợ DN khác dẫn đến dòng tiền đứt gãy, nhất là nhóm DN bất động sản. Nguyên nhân trực tiếp là nhiều năm trước nhóm DN này đầu tư dự án dàn trải và gần như "không tích cốc phòng cơ", chủ yếu là sử dụng đòn bẩy tài chính theo hướng dùng vốn vay của người này để trả cho người khác. Đến năm 2022, ngân hàng hạn chế cho vay nhà đất, khiến đầu ra DN bất động sản bế tắc. Trong khi đó, áp lực trả nợ khách hàng qua việc huy động vốn bằng trái phiếu ngày càng gia tăng. Chủ DN bất động sản có bao nhiêu tiền đều dồn vào việc trả nợ, tiền lương người lao động… Kết quả, DN không còn đủ tiền để nộp thuế. "Việc nộp thuế là một nghĩa vụ bắt buộc và nếu chưa thực hiện thời điểm này thì DN cũng phải nộp trong thời gian tới. Vì thế, khi DN gặp khó khăn về dòng tiền, ngành thuế có thể kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giãn, hoãn thời gian nộp thuế để DN có thêm điều kiện hồi phục hoạt động. Sau đó, DN sẽ hoàn thành nghĩa vụ thuế" - luật sư Lương Văn Trung khuyến nghị.
Sớm tháo gỡ vướng mắc pháp lý
Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia tài chính - bất động sản, cho rằng với tình hình kinh tế hiện nay thì DN ngành nào cũng khó mà nhất là DN bất động sản đang "đuối" về dòng tiền. "DN đã quá khó khăn nên họ chấp nhận nợ thuế để dùng vốn xoay xở cho những hoạt động khác nhằm bảo đảm cho hoạt động kinh doanh trước mắt. Ngoài ra, các DN còn tự tạo dòng tiền bằng cách giảm giá sản phẩm, chiết khấu cao để thu hút khách hàng, thậm chí bán tài sản để trả nợ… Tuy nhiên, khi thị trường chung vẫn còn khó khăn, để bán được sản phẩm cũng như tài sản phải chờ thêm 3-6 tháng nữa. Do đó, với các DN đơn thuần nợ thuế vì khó khăn, cơ quan thuế nên tính đến phương án cho giãn nợ để họ có thời gian ổn định, xử lý. Còn với các DN bất động sản có vướng mắc về pháp lý, nợ thuế vì cách tính tiền thuế sử dụng đất, thời điểm tính khác nhau, gây ra sự chênh lệch số tiền mà 2 bên chưa giải tỏa thỏa đáng thì cần có sự chỉ đạo từ Chính phủ, bộ ngành để các sở ngành liên quan và DN cùng ngồi lại nhằm có phương án xử lý tốt nhất. Vì nếu vướng mắc kéo dài, DN không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính, nhà nước cũng thất thu" - chuyên gia này phân tích.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cũng thừa nhận việc các DN bất động sản nợ thuế không có gì lạ. Bởi những năm gần đây, các DN bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, nhất là câu chuyện vướng mắc pháp lý kéo dài chưa được tháo gỡ, làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan và gây nợ đọng. Câu chuyện này không phải hoàn toàn từ trách nhiệm của ngành thuế, vì họ cũng không xử lý được mà phải từ các cơ quan tính thuế. "Theo tôi, cần xem xét lại cách tính thuế sử dụng đất, nhất là các dự án đang gặp vướng mắc, vì từ khi chuyển cách tính qua Sở Tài nguyên - Môi trường, phải qua hội đồng thẩm định làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến sai phạm quản lý đất công, nhiều lãnh đạo bị bắt khiến các bước, các thủ tục không tiến hành được. DN xin được tạm nộp tiền sử dụng đất để triển khai dự án nhưng cũng không được chấp thuận. Kết quả, dự án bị đình trệ. Vì vậy câu chuyện nợ thuế, thất thu thuế… sẽ còn kéo dài nếu Chính phủ không có một tổ công tác đặc biệt chuyên tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho dự án bất động sản cũng như tháo gỡ khó khăn về quyền sử dụng đất cho người dân đã mua dự án, vấn đề nợ đọng thuế liên quan đến dự án bị vướng pháp lý… Nếu không có chủ trương từ trên thì cán bộ cấp dưới có mẫn cán cỡ nào cũng không dám quyết hay làm bất cứ điều gì" - TS Đinh Thế Hiển góp ý.
Xem thêm: mth.42061501211103202-euht-on-peihgn-hnaod-ohc-oan-pahp-iaig/et-hnik/nv.moc.dln