Chiều 12-1, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của Đảng bộ TP năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Còn nể nang, ngại va chạm khi kiểm tra, giám sát ở cơ sở
Phát biểu chỉ đạo, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đánh giá năm qua, công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục thực hiện, triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng, xây dựng Đảng bộ TP trong sạch, vững mạnh.
Nội dung chỉ đạo, xem xét nghiêm minh, đồng bộ các tổ chức đảng, chính quyền để xử lý các tập thể, cá nhân vi phạm cũng đảm bảo các yêu cầu của Trung ương.
Việc công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phát huy tác dụng trong cảnh báo, phòng ngừa, tạo dư luận đồng thuận của đảng viên, hiệu ứng tích cực của xã hội.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng đánh giá việc kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy, đảng bộ cơ sở, cơ quan, đơn vị; thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong tự kiểm tra, giám sát không tập trung. Vẫn còn sự nể nang, ngại va chạm trong việc kiểm tra, giám sát ở cơ sở.
Nói về nhiệm vụ năm 2023, phó bí thư Thành ủy TP yêu cầu trong năm 2023 cần tập trung kiểm tra, giám sát một cách có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, cần chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ đề năm 2023 đã được TP đề ra.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo các chương trình đề án trọng điểm đã được đề ra, lập đoàn kiểm tra, rà soát lại các chỉ tiêu, chương trình đề án...
Tăng cường theo dõi các tổ chức đảng, đảng viên sau các kết luận thanh tra, tránh tình trạng có kết luận rồi nhưng "nước chảy bèo trôi".
Ông Hiếu đề nghị ngành kiểm tra quan tâm đến các lĩnh vực, địa bàn, những vị trí công tác, môi trường dễ xảy ra vi phạm. Những vị trí công tác, môi trường công tác dễ xảy ra vi phạm, hoặc thông tin nội bộ cho thấy có vấn đề phải tăng cường kiểm tra, thậm chí điều tra các vi phạm. Mặt khác, cần quan tâm, để ý, thường xuyên có cảnh báo, phòng ngừa.
Theo ông Hiếu, không có mẫu số chung cho tất cả lĩnh vực, địa bàn. Có nơi vấn đề đô thị hóa đang rất sôi động, đất đai đang nóng sẽ rất dễ xảy ra sai phạm về trật tự xây dựng. Các sở, ngành liên quan đến cải cách hành chính, tiếp công dân, doanh nghiệp sẽ có vấn đề nổi lên trong quá trình tiếp dân.
Hay những sở chỉ thuần túy về chuyên môn sẽ nổi lên các vấn đề về đấu thầu, đấu giá, quản lý tài sản, nhà nước... Các ban cán sự đảng, đảng đoàn thường liên quan đến quy chế làm việc phải kịp thời chấn chỉnh vấn đề này…
Ông đề nghị Ủy ban kiểm tra Thành ủy và các cấp thấy có dư luận phải mạnh dạn gửi văn bản cho các cấp ủy, người đứng đầu và đề nghị quan tâm, kịp thời kiểm tra, giám sát xử lý. Vì vậy, cần linh hoạt nội dung kiểm tra, giám sát theo từng địa bàn để phát hiện, xử lý.
"Không chờ hành vi nào rõ, có căn cứ vi phạm rồi mới xử lý, cái gì biết trước, có kết luận trước xử lý ngay, còn sau đó cập nhật, đối chiếu các quy định đã có. Thậm chí cái sau nặng nề, nghiêm trọng hơn sẽ áp dụng cái sau đó để xử lý" - ông Hiếu nhấn mạnh.
TP.HCM: Năm 2022 có 19 tổ chức đảng, 537 đảng viên bị kỷ luật
Báo cáo tại hội nghị, Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Lê Thị Hờ Rin thông tin năm 2022, Ban thường vụ Thành ủy và cấp ủy các cấp thi hành kỷ luật đối với 16 tổ chức đảng và 297 đảng viên, tăng 10 tổ chức đảng, 10 đảng viên so với năm 2021.
Trong đó, Ban thường vụ Thành ủy kỷ luật đối với 1 tổ chức đảng và 11 đảng viên. Các vi phạm chủ yếu trong các lĩnh vực về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình; những điều đảng viên không được làm; cố ý làm trái; việc thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo; công tác quản lý đất đai, tài chính…
Ủy ban kiểm tra Thành ủy và ủy ban kiểm tra các cấp cũng đã thi hành kỷ luật đối với 3 tổ chức đảng, 240 đảng viên. Các vi phạm chủ yếu là cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm, buông lỏng sự lãnh đạo, quản lý; thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao...
TIẾN LONG - ÁI NHÂN
TTO - Đó là nội dung của quy định số 179-QÐi/TW về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, vừa được ông Trần Quốc Vượng - thường trực Ban Bí thư - thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành.