Tuy nhiên, đó là phía họ nghĩ, còn người bị tra tấn lỗ tai lại khác...
Những người mê ca hát
Có giọng hát khỏe, Thạch Tý (27 tuổi, ngụ hẻm đường Phạm Thị Giây, huyện Hóc Môn, TP.HCM) thường "xung phong" hát đám tiệc. Anh cho biết từ hồi mười mấy tuổi đã thích hát, thuộc làu nhiều bài nhạc mùi mẫn.
"Cha tôi cũng thích hát, hay được mời đi hát đám cưới và được trả công. Ổng thích nhất là các bài ca cổ, hát lên giọng xuống giọng ngọt dữ lắm", anh nói. Vào dịp cuối tuần nếu cha ghé thăm, anh cũng thường mở karaoke cho cha hát. Anh còn "bật mí" là mẹ anh kể rằng do ưa giọng hát của cha mà bà đã phải lòng ông.
Trước đây, thời hát karaoke còn phải dò mã số theo "menu" bài hát, anh Tý đã lưu sẵn những mã số bài yêu thích trong điện thoại. "Tôi lưu mã số cả trăm bài nên đi hát chỉ cần đọc mã số, không cần dò danh sách. Tôi cũng thuộc nhiều lời bài hát", anh vui vẻ kể.
Sau này, từ Cà Mau lên TP.HCM mưu sinh, anh cũng thường hát các đám tiệc khi được mời. Là lao động tự do, cuối tuần nghỉ, anh hay rủ bạn bè về ăn uống và "ca cho vui". Nhóm bạn của anh thường chọn hát các bài đang là "trending" (xu hướng) của giới trẻ như "Xem như em chẳng may", "Em ơi đừng khóc"...
Khi được hỏi việc hát hò như vậy có làm phiền hàng xóm không, anh nói: "Khu trọ của tôi nhiều phòng cũng mở hát, nhất là ngày cuối tuần, nên thấy bình thường. Tôi cũng không mở quá lớn, loa của tôi là loại loa nhỏ xách tay". Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận khi cao hứng cũng mở lớn hết cỡ...
Vợ anh Tý cũng là người thích hát karaoke, nên vợ chồng cũng thường song ca trong các đám tiệc. Để thỏa máu mê ca hát, vợ chồng họ sắm cái loa xách tay kèm micro với giá hơn 400.000 đồng.
Hỏi vì sao không mua loa lớn hoặc loa kẹo kéo, anh cho biết: "Tôi mua loa của người quen và nhu cầu chỉ cần một cái loa nhỏ, dễ di chuyển". Anh nói sắp tới sẽ "đầu tư" một chiếc loa cỡ 1 triệu đồng để âm thanh chất lượng hơn.
Cũng máu hát hò, anh Thanh Đức (nhà hẻm đường Điện Biên Phủ, quận 3) cho biết anh và một số bạn nhậu hùn tiền mua chiếc loa kẹo kéo để khi nhậu hát hò cho vui. Chiếc loa công suất lớn, hai micro không dây với giá khoảng 3 triệu đồng.
Chỉ cần kết nối bluetooth trên điện thoại hoặc smart TV, họ thỏa sức chọn bài và hát tới khi... hết hơi thì thôi. Thường mỗi thứ bảy, chủ nhật, anh Đức đều đem loa ra trước sân nhà, bày bàn nhậu rồi mời bạn bè tới hát "sương sương".
"Mấy nhà khác cũng hát, có khi họ còn hát nhiều hơn tôi nữa", anh cười trả lời khi được hỏi đem loa ra sân có gây phiền lối xóm. Anh cũng cho biết bình thường là vậy, còn khi nhà có tiệc như đám giỗ hay sinh nhật thì chiếc loa ấy sẽ hoạt động nhiều hơn, khoảng 4 - 5 tiếng vì "lâu lâu nhà mới có đám tiệc".
"Không biết điều thì mở hết cỡ loa cho bể lỗ tai"
Trong khi đó, nhóm nam thanh niên là công nhân Khu công nghiệp Tân Tạo, đang ở trọ tại hẻm đường tỉnh lộ 10, huyện Bình Chánh, thì nói thẳng về máu mê ca hát bất chấp thời gian, nơi chốn.
"Đi làm về mệt, ca hát cho vui mà. Ồn ào thì thiệt là có đó, nhưng chắc người ghét hổng nhiều bằng người thích đâu", công nhân tên Nguyễn Văn Lâm, 27 tuổi, nói tỉnh rụi. Ba người cùng phòng trọ của họ từ Long An lên, ghiền karaoke đến mức đã hùn nhau 6 triệu đồng để mua cái loa kẹo kéo to đùng.
Lúc chúng tôi phỏng vấn, Lâm và các bạn đã "sương sương" cả thùng bia và vô tư chĩa cái loa ra ngoài cửa mà ca nhạc vàng mùi mẫn, thỉnh thoảng lại chen bài vọng cổ.
Chốc chốc, đang cao trào rên rỉ "sao anh bỏ ra đi, em nào có tội tình gì...", thì Lâm lại tiện miệng hét luôn vào micro: "Ê, thằng Tèo, cạn ly đều nghe mày. Đ.m. uống kiểu thằn lằn rắn rết gì vậy". Loa đang mở lớn, chúng tôi bất ngờ nghe tiếng hét mà giật cả mình.
Phải đến lúc chúng tôi ù tai rồi, Lâm mới tạm ngưng "giọng ca vàng", quay sang tiếp chuyện:
"Tụi tui giờ hổng có ca thì uống hổng vô. Nhậu nhẹt mà không chút văn nghệ thì như uống nước muối. Cái loa bự cỡ này nhằm nhò gì. Dưới quê tụi tui còn chơi cả xe lôi Trung Quốc chở dàn loa 4, 5 cái bự tổ chảng để ca cho đã kìa. Hàng xóm nghe bể nóc nhà luôn. Mà cũng thiệt lạ, nhà tui ai cũng thích hát, chắc kiếp trước là ca sĩ hết".
Khi chúng tôi hỏi hay hát hò "bự tổ chảng" kiểu này có đụng chạm hàng xóm không, Lâm chuyển hẳn mặt không vui: "Dãy trọ của tui 10 phòng thì 4 phòng có loa rồi. Mấy người không có loa thì người im lặng, người cũng càm ràm vài lần rồi chịu thôi.
Hát hò là thang thuốc bổ mà, tui nói vậy đó, chịu thì chịu, không chịu thì cứ chuyển đi". Thấy chúng tôi im lặng, Lâm tiếp tục gằn giọng kể không ai nói gì thì anh còn mở vừa vừa, còn "hổng biết điều thì mở hết cỡ loa cho bể lỗ tai luôn"...
Rời dãy trọ của nhóm Lâm, chúng tôi đi xa hơn 100m rồi vẫn nghe rền rĩ "Đập vỡ cây đàn giận đời đập vỡ cây đàn. Người ơi người ơi, tình ơi tình ơi...". Lúc này, nhóm nhậu đã say, giọng ca lúc nhão nhẹt, lúc hú hét lên như chửi nhau.
Ông Nguyễn Tuấn (đã được đổi tên), một cán bộ về hưu, ở gần đó có vẻ trúng ngay bức xúc khi được chúng tôi hỏi chuyện: "Có lần tui qua nói khuya rồi, mấy cậu ca thì mở nhỏ nhỏ cho hàng xóm ngủ, thế là thằng Lâm trợn mắt mở loa lớn hơn nữa. Nó nói hát hò là thang thuốc bổ, có hại gì ai mà làm khó?".
Ông Tuấn nói hàng xóm cũng có mấy người phản ảnh này nọ lên tổ trưởng, cảnh sát khu vực, phường, nhưng chỉ tạm êm êm được một hai bữa rồi lại y như cũ, thậm chí họ hát còn nhiều hơn, lớn hơn như chọc tức mình.
Ở đường hương lộ 2 gần đó, bà Lê Thị Thủy (đã được đổi tên) cũng như được mở lòng khi nghe chúng tôi hỏi nỗi khổ loa kẹo kéo. "Trời đất quỷ thần ơi, họ ca dở ẹc mà sao không biết mắc cỡ.
Tuần 7 ngày thì họ hát hết 4 - 5 ngày rồi, toàn hát từ chập chiều tới khuya lắc. Mà mấy ngày còn lại thì họ cũng đâu có chịu nghỉ, họ đi ra quán nhậu bình dân cho mấy ông chở loa kẹo kéo dạo trăm ngàn bạc là dư ca chục bài bể quán luôn".
Bà Thủy ngậm ngùi nói thêm thực tế nhiều hậu quả tệ hại đau lòng đã xảy ra, nên "không ai muốn đụng chạm mấy người say xỉn, hát dở ẹc mà mơ làm ca sĩ".
Rất nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến bức xúc đến Tuổi Trẻ về tình trạng hát karaoke tự do mọi lúc mọi nơi gây phiền khổ cho họ:
● Chính quyền địa phương vì ngại nên không muốn phạt, cho nên phải cần lực lượng trật tự nơi khác đến xử phạt và chỉ cần phạt một ít vụ để răn đe thì karaoke này sẽ giảm mạnh. (bạn đọc Thành Nguyên)
● Một số nơi cán bộ địa phương bảo thông cảm vì nhà có đám tiệc. Nhưng xin hỏi cả xóm nay nhà này đám cưới, mai nhà kia đám hỏi, mốt nhà nọ sinh nhật, tân gia, đám giỗ, thậm chí đám ma cũng kéo karaoke ra hát thì xóm đó ngày nào yên? (bạn đọc Dante)
● Hôm trước gần nhà hát karaoke rất to. Tôi qua nói họ vặn nhỏ volume giùm vì nhà có người già. Tức thì 5-6 người cả trai cả gái kéo qua chửi rủa, văng tục đòi đánh. Cả xóm cũng đều run sợ trước sự hung hãn của gia đình này, đều cắn răng chịu đựng tra tấn. (bạn đọc Sợ Karaoke)
● Cần phải cấm tiệt việc hát karaoke trong khu dân cư. Có nhu cầu thì ra phòng karaoke hát, không thì tự dựng phòng cách âm trong nhà mà hát, đám tiệc muốn mở nhạc thì ra nhà hàng, không lý do gì mà hàng xóm phải chịu cảnh tra tấn lỗ tai như vậy. (bạn đọc Dũng)
-----------------------
Chục triệu, 5 triệu và vài trăm ngàn bạc gì cũng sắm được loa hát. Vì thế nên "ca sĩ tra tấn lỗ tai" mọi lúc, mọi nơi.
Kỳ tới: Bèo cỡ nào cũng sắm được loa "tra tấn lỗ tai"
Trong câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" mang tên karaoke mọi lúc mọi nơi, khổ nhất là những người có hàng xóm thích ca hát karaoke.