Dù đều đã tiêm vắc xin đủ bốn mũi nhưng vừa rồi gia đình tôi (ở TP Thủ Đức TP.HCM) vẫn có ba người lớn bị mắc COVID-19. Không rõ bị dính lây bệnh trên xe buýt, taxi hay sảnh sân bay lúc đến đón người thân, nhưng chúng tôi cứ liên tục có kết quả xét nghiệm hai vạch.
Đầu tiên là vợ tôi (68 tuổi) bị sốt cao, đau nhức, sổ mũi mấy ngày, đến bệnh viện được yêu cầu xếp hàng khám như bệnh thông thường, sang bệnh viện khác (Bệnh viện Quân dân y Miền Đông) có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19.
Bệnh viện giao kết quả xét nghiệm và hướng dẫn về trạm y tế phường, nhân viên y tế chỉ hướng dẫn về uống thuốc paracetamol hạ sốt và vitamin C tăng đề kháng, nếu khó thở thì đến bệnh viện.
Ba ngày sau đến lượt tôi (69 tuổi) bị sốt cao, tự test cũng cho kết quả dương tính, triệu chứng có vẻ nặng hơn bà xã, bụng cồn cào như xát muối và mất hoàn toàn khứu giác, vị giác. Ba ngày sau nữa đến lượt con trai tôi (38 tuổi) cũng có kết quả dương tính sau khi đã sốt khá cao, đau rát họng.
Sau hơn 10 ngày tự mua thuốc uống, cả nhà tôi đều đã âm tính với vi rút COVID-19 nhưng sự mệt mỏi, ho đờm thì vẫn dai dẳng y như những triệu chứng mà người ta vẫn gọi là "hậu COVID-19".
Không ít người có triệu chứng giống như chúng tôi, hầu hết không xét nghiệm. Tôi nghĩ vi rút COVID-19 vẫn đây đó trong cộng đồng. Số ca bệnh nặng không nhiều vì hầu hết dân số đã được tiêm nhiều mũi.
Phần đông những người có triệu chứng như mắc COVID-19 hiện nay không xét nghiệm, không khai báo y tế, có bệnh tự điều trị... Con số ca mắc mới vì thế khó có thể thống kê và công bố chính xác.
Thông tin COVID-19 đang quay trở lại với những biến chủng mới như XBB.1.5 và tốc độ lây lan mạnh đã được nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc cảnh báo. Trung Quốc dù đã quyết định mở cửa cho du khách và xuất nhập cảnh nhưng cũng thừa nhận số ca mắc đang cao và tăng liên tục. Nhật Bản cũng đang "đau đầu" với tình trạng có ngày tới 300 người tử vong vì mắc COVID-19.
TP.HCM, nơi đại dịch COVID-19 hoành hành dữ dội hồi năm 2021, nay hàng quán đông vui đến đáng ngại khi không ít người đã bỏ khẩu trang, bỏ qua chuyện thường xuyên rửa tay sát khuẩn. Một cái Tết không nghe những thông tin ca mắc mới vui hơn năm ngoái cũng là lẽ thường nhưng có vẻ đang rất chủ quan trong tình hình dịch COVID-19 mới chỉ giảm tử vong chứ chưa chấm dứt.
Là những người trong cuộc mới bị mắc COVID-19, chúng tôi cho rằng việc thực hiện xét nghiệm, sàng lọc phát hiện và tiếp nhận điều trị cho người bệnh bị mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế hiện nay đang bị có phần không thống nhất, lỏng chặt tùy nơi.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở trong nước và thế giới, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo về tăng cường phòng chống COVID-19 trong đó nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh tiêm chủng và Bộ Y tế cũng đã có chỉ đạo khẩn việc này.
Thiết nghĩ, mỗi người, mỗi nhà và xã hội hãy chủ động phòng bệnh chứ đừng chủ quan khi biến chủng mới vẫn rình rập khắp nơi.
Khỏe mạnh để nắm bắt vận hội mới
Một học kỳ của con trẻ đã trôi qua vẫn chưa thể rời khẩu trang. Nguy cơ lây nhiễm ở trường có không? Có. Bởi trẻ chơi chung, ăn chung, ngủ chung, khẩu trang không thể kín mít suốt ngày. Nhưng học sinh, sinh viên vẫn phải đeo khẩu trang để góp phần giảm thiểu lây nhiễm. Thầy cô giáo, y bác sĩ, cán bộ ở công sở cơ quan ban ngành, những nơi tiếp xúc nhiều vẫn đeo khẩu trang suốt ngày...
Đó là sự cẩn trọng cần thiết và cũng là lời nhắc chung với mọi người khi đại dịch chưa ngưng.
Trung Quốc mở cửa sát Tết Nguyên đán. Du lịch các nước chuẩn bị đón du khách từ đất nước đông dân nhất và có số ca nhiễm còn cao. Niềm tin hy vọng phục hồi kinh tế, bắt đầu từ du lịch và giao thương, điều này rõ rồi. Nhưng không thể chủ quan xem thường các biến chủng mới.
Kháng thể mỗi người đang có liệu sẽ kháng được với các chủng mới? Các vấn đề về suy giảm sức khỏe, tâm thần hậu COVID-19 đang xảy ra ở mỗi nhà. Điều này ảnh hưởng đến công việc hằng ngày, sức khỏe trước mắt và dài lâu.
Vậy nên giữ mình khỏe mạnh không chỉ để ăn Tết và còn vì sức khỏe mai sau của mỗi người, của từng nhà và cộng đồng. Có khỏe mới nhanh phục hồi mọi chuyện. Năm mới sát thềm nhà, khỏe để nắm bắt vận hội mới. (PHƯƠNG NGA)
TTCT - Những cú sốc ngẫu nhiên trong đời trong thời thơ ấu, chẳng hạn một đại dịch như COVID-19, cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn với tương lai của trẻ.
Xem thêm: mth.70012233231103202-nauq-uhc-gnud-gnohc-gnohp-gnod-uhc-iom-91-divoc-eht-neib/nv.ertiout