Ngày 1-2, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 2-2024.
Giá cả hàng hóa Tết không có biến động lớn
Báo cáo tại phiên họp, bà Lê Thị Huỳnh Mai - giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP - cho biết tháng 1 tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 24% so với cùng kỳ. Xuất khẩu ước đạt 3,8 tỉ USD, giảm 4,2% so với tháng trước, nhưng tăng 23% so cùng kỳ. Nhập khẩu ước đạt 4,6 tỉ USD, giảm 5,3% so với tháng trước, nhưng tăng 21%.
Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 54.700 tỉ đồng, đạt 11,3% dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương là 4.603 tỉ đồng, đạt 3% dự toán.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước giảm 4,5% so với tháng trước và tăng 27% so với cùng kỳ (do cùng kỳ là tháng tết). Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 30%, vốn đăng ký tăng 117% so với cùng kỳ.
TP đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 với 78.700 tỉ. Tính đến 26-1, TP mới giải ngân được 178 tỉ đồng, đạt 0,2%. UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị lập kế hoạch giải ngân với mốc thời gian hoàn thành cụ thể. Đồng thời cam kết giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 nhằm thể hiện sự quyết tâm trong thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 (TP đặt mục tiêu giải ngân 95% năm 2024)
Kinh phí dự kiến chi chăm lo Tết Giáp Thìn năm 2024 là 915 tỉ đồng với 625.000 trường hợp các diện chính sách có công, cán bộ hưu trí, diện người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đối tượng bảo trợ xã hội.
3 kịch bản tăng trưởng GRDP quý 1-2024
Tại phiên họp, Ths. Nguyễn Trúc Vân - giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội TP.HCM, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết viện xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng quý 1-2024.
Theo đó, với kịch bản bất lợi là các nền kinh tế lớn phục hồi chậm, xung đột chính trị trên thế giới tiếp tục leo thang, dịch bệnh khó lường, các động lực tăng trưởng kinh tế mới chưa phát huy thì GRDP của TP.HCM dự báo đạt khoảng 4,83 - 5,95%.
Còn với kịch bản cơ sở là tiếp nối đà phục hồi cuối năm 2023, thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực mới như khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế xanh, tuần hoàn thì GRDP quý 1 của TP.HCM dự kiến đạt 6,05%, dự báo khoảng 5,49 - 6,61%.
Kịch bản thuận lợi nhất, là môi trường quốc tế và trong nước chuyển biến thuận lợi, các yếu tố rủi ro được dự báo tốt, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, các yếu tố khai thác tốt, niềm tin người dân và doanh nghiệp được củng cố thì quý 1, TP.HCM dự kiến tăng trưởng ở mức 6,56%, dự báo khoảng 6 - 7,12%.
Kinh tế TP năm 2024 dự báo tích cực
Nêu ý kiến tại phiên họp, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công Thương TP - nhìn nhận kinh tế - xã hội tháng 1 có nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ. Hai ngành khó khăn nhất là dệt may, da giày và đồ gỗ đã có đơn hàng đến quý 2-2024.
Về hàng hóa Tết, ông Vũ cho biết đảm bảo cung ứng, mỗi ngày có khoảng 11.000 tấn qua ba chợ đầu mối, thương mại điện tử phát triển tốt nhưng chợ truyền thống sức mua chưa tăng. Sở Công Thương đã phối hợp Sở Tài chính bình ổn thị trường, giữ giá và đảm bảo hàng một tháng trước và sau Tết, không để diễn ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Ông Vũ cho biết chỉ lo lắng về sức mua còn giá cả dự đoán không có biến động lớn.
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Dũng cho biết lãnh đạo TP đặt mục tiêu phấn đấu quý 1 giải ngân đầu tư công đạt ít nhất 12%, GRDP tăng trưởng không thấp hơn 6,5% (quý 1-2023 chỉ đạt 0,7%) để tạo tiền đề, nền tảng thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu của cả năm 2024.
Ông đề nghị các ngành, các cấp triển khai quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế cho năm 2024 ở 5 lĩnh vực. Trong đó, ông yêu cầu nâng cao công tác dự báo, xây dựng các kịch bản và đưa ra các giải pháp tăng trưởng kinh tế của TP năm 2024. Thúc đẩy đầu tư công từ đầu năm để tạo tính lan tỏa, kiểm điểm và giao nhiệm vụ cho các đơn vị.
Bên cạnh đó là thúc đẩy tiêu dùng nội địa và liên kết vùng để triển khai các chương trình khuyến mãi, thúc đẩy thương mại điện tử, thương mại nền tảng xã hội. Triển khai quyết liệt chủ đề năm 2024 và thúc đẩy mô hình, dòng vốn xanh như một giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Dịch COVID-19 đã tạm ổn, ngành Y tế vẫn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất
Về tình hình dịch bệnh, Phó giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết cuối tháng 12-2023 đến nửa đầu tháng 1-2024, số ca nhiễm COVID-19 tăng nhẹ. Dù vậy ông Châu nhìn nhận tình hình dịch COVID-19 tại TP tạm ổn, miễn dịch cộng đồng đạt 95% nên không có nhiều khả năng bùng phát dịch lớn.
Tuy nhiên, TP vẫn triển khai các kịch bản, đặt ra cả tình huống xấu nhất. Sở Y tế cũng chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCDC) và các bệnh viện theo dõi, giám sát số ca nhập viện, số ca bệnh nặng để có giải pháp kịp thời và bảo vệ người có nguy cơ.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo các đơn vị đảm bảo an ninh trật tự, không để đi lễ hội mà bị móc túi, kẹt xe, đặc biệt đảm bảo vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi.