Trong tuần vừa qua, VN-Index ghi nhận mức tăng 8,73 điểm, tương đương 0,83% so với tuần trước đó, lên 1.060,17 điểm. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HoSE đạt gần 436 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 20,65% so với tuần giao dịch trước đó, sàn HNX đạt trung bình gần 51 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 16,52%, điều này thể hiện tâm lý thận trọng của nhà đầu tư vào những phiên giao dịch trước Tết.
Khối ngoại vẫn duy trì sự tích cực khi mua ròng 1.958 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh, tuy nhiên bán ròng 3.330 tỷ đồng trên kênh thỏa thuận.
Kỳ nghỉ lễ thường dài, nhà đầu tư thường có tâm lý lo ngại, theo đó ông Thuận Tĩnh - Chuyên viên tư vấn, CTCK Mirae Asset Việt Nam và ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô
Người Đưa Tin: Thị trường vừa có một tuần giao dịch khá “êm đềm”. Liệu thị trường còn tiếp tục diễn biến như vậy đến hết kì nghỉ lễ không? Liệu có xuất hiện hiệu ứng tháng giêng thời điểm sau kì nghỉ lễ?
Ông Thuận Tĩnh: Đặc thù thị trường chứng khoán Việt Nam thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán thường là những phiên giao dịch “êm đềm” như vậy. Vì dòng tiền thị trường ảm đạm, gần như mất hút. Nhìn vào số liệu ba tuần trở lại đây về khối lượng và giá trị giao dịch gần như đi ngang và dưới mức trung bình, sẽ minh chứng cho bình luận trên.
Tuy nhiên, chỉ số VN-Index lại dần dần tăng từ đáy ngắn hạn 985 xác lập vào phiên 26/12, và đến nay VN-Index đóng cửa tuần ở mức 1.060 điểm. Lý giải cho điều này, đây là thời điểm bên cung hàng đã giảm bán, nên chỉ cần một lượng ít tiền hơn từ bên cầu, đã có thể giúp thị trường tiếp tục xu hướng tăng điểm. Theo tôi dự đoán, diễn biến này có thể tiếp tục kéo dài qua cả nhưng phiên sau Tết, trước khi có cú “nước rút” bùng nổ về khối lượng giao dịch và điểm số để đạt target 1.150.
Ông Đinh Quang Hinh: Thị trường chứng khoán tuần qua đã đón nhận thêm một số thông tin vĩ mô tích cực bao gồm lạm phát Mỹ tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 12 và xuống mức thấp nhất trong hơn một năm (kể từ tháng 10/2021; chỉ số sức mạnh đồng đô la (DXY) tiếp tục suy yếu; áp lực lên tỷ giá VND giảm, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu mua vào dự trữ ngoại hối.
Mặc dù có nhiều thông tin hỗ trợ xu hướng tăng của thị trường, nhưng chỉ số VN-Index vẫn chưa thể bứt phá qua vùng cản mạnh 1.070 điểm do nhiều nhà đầu tư có tâm lý "e dè" giải ngân trong những tuần cận Tết Âm Lịch. Trong bối cảnh tuần tới là tuần giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ, khó có thể kỳ vọng dòng tiền lớn sẽ gia nhập thị trường. Giá trị trung bình phiên trên ba sàn có thể chỉ loanh quanh mức 10.000 tỷ đồng/phiên.
Do vậy, tôi cho rằng chỉ số VN-Index có thể duy trì xu hướng tích lũy trong tuần tới trước ngưỡng cản 1.070 điểm. Tôi kỳ vọng dòng tiền có thể quay trở lại thị trường mạnh mẽ hơn sau kỳ nghỉ lễ và giúp thị trường bứt phá qua ngưỡng kháng cự này để hình thành xu thế tăng điểm ngắn hạn.
Người Đưa Tin: Với diễn biến thị trường như vậy, nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ, giải ngân thêm hay ngừng tham gia thị trường?
Ông Thuận Tĩnh: Tôi nhận thấy, là thời điểm thích hợp “cuối” để nhà đầu tư rót tiền giải ngân cả mua gia tăng tỉ trọng lẫn tham gia mua mới với nhà đầu tư chưa có vị thế cổ phiếu. Như tôi đã từng phân tích, VN-Index sẽ đạt mức điểm mục tiêu 1.150 vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, với nhóm ngành dẫn dắt chủ lực là Ngân hàng và Chứng khoán, cùng với đó nhóm ngành Bán lẻ.
Bởi sau thời điểm đạt mục tiêu 1.150, thị trường sẽ diễn biến khó lường hơn. Lịch sử thị trường chứng khoán cho thấy, thị trường thường tăng trưởng tốt trong quý I, và thường đạt đỉnh vào giữa quý II, cụ thể là vào thời điểm tháng 4 (đỉnh tháng 4/2004, đỉnh 4/2006, 4/2007, đỉnh tháng 4/2018 và đỉnh tháng 4/2022).
Ông Đinh Quang Hinh: Đối với những nhà đầu tư đang có sẵn cổ phiếu trong tài khoản, có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu qua kỳ nghỉ lễ, chờ đợi sự bứt phá của các chỉ số chứng khoán khi có sự đồng thuận của dòng tiền.
Đối với những nhà đầu tư chưa có cổ phiếu hoặc tỉ trọng thấp, có thể căn nhịp chỉnh đầu tuần tới để giải ngân thăm dò một phần lấy vị thế. Ưu tiên những cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng rõ nét trong năm 2023 như nhóm đầu tư công, năng lượng (điện, dầu khí), ngân hàng, bảo hiểm.