Chiều 25.7, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng cùng lãnh đạo các cơ quan chức năng thành phố kiểm tra thực tế tình hình xả thải ra biển Đà Nẵng khu vực Q.Sơn Trà.
Hệ thống cũ, quá tải
Theo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải TP.Đà Nẵng, hệ thống thu gom nước thải ven biển khu vực Mỹ An, Mỹ Khê thuộc dự án Thoát nước và Vệ sinh TP.Đà Nẵng được xây dựng từ năm 2007. Thời gian vận hành kéo dài cùng với đô thị, du lịch khu vực biển phát triển nhanh, cơ sở lưu trú, kinh doanh tăng nhanh, khiến hệ thống xuống cấp và quá tải từ năm 2017, nước thải tràn ra cửa xả khi cao điểm.
Đối với trận mưa ngày 15.7 vừa qua làm tràn nước thải ra cửa xả Mỹ Khê, theo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải, lượng mưa 13 mm kéo dài hơn 1 giờ, với diện tích lưu vực khoảng 363 ha thì tổng lượng nước mưa khoảng 45.700 m3.
Các trạm bơm vận hành hết công suất nhưng chỉ đủ năng lực chuyển tải trên 1.300 m3/giờ, không hạ được mực nước. Lượng nước trong các tuyến cống vượt ngưỡng tràn 0,8 - 1 m, nước mưa hòa lẫn nước thải làm vỡ các đập cát, tràn biển tại các cửa xả.
Ông Võ Tấn Hà, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết thêm, khu vực ven biển phía đông (gồm các cửa xả Mỹ Khê, Mỹ An) được đầu tư hệ thống thoát nước nửa riêng. Nước thải thu gom vào mùa khô, vào mùa mưa hoặc khi có mưa lớn, nước thải và nước mưa hòa lẫn, xả ra môi trường.
Năm 2018, thành phố đầu tư thí điểm hệ thống thu gom nước thải riêng lưu vực Mỹ Khê - Mỹ An (363 ha từ đường Phạm Văn Đồng - Võ Nguyên Giáp - Hồ Xuân Hương - Ngũ Hành Sơn - Ngô Quyền).
Mục tiêu dự án là tách hoàn toàn và thu gom riêng nước thải của cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình, chuyển về trạm xử lý nước thải. Hệ thống thoát nước mưa sẽ không còn nước thải, nhất là khi nước mưa xả qua các cửa xả ven biển, giải quyết gần như triệt để tình trạng ô nhiễm.
Hệ thống thu gom nước thải cũ làm dự phòng để xử lý tình huống phát sinh. Công trình nghiệm thu tháng 1.2022, nhưng đến nay chưa bàn giao quản lý, khai thác.
Mưa kèm rác thải vài trăm kg/đợt
Ông Võ Tấn Hà cho rằng do chưa hoàn thành đấu nối toàn bộ lượng nước thải phát sinh của lưu vực vào hệ thống thu gom, dẫn đến chưa phát huy hết hiệu quả dự án.
Bên cạnh đó, các hộ dân lấn chiếm lối thoát hiểm, ảnh hưởng khả năng thoát nước mưa tại mương sau nhà, nước mưa đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải, cùng với cơ sở kinh doanh không đấu nối, thói quen vứt rác xuống hệ thống cống, góp phần quá tải hệ thống khi trời mưa.
Phó giám đốc Sở Xây dựng dẫn chứng, một số đợt mưa lớn, công nhân xử lý ở các cửa xả, vớt rác bao ni lông, vỏ hộp cơm... đến vài trăm kg.
"Đặc thù đô thị cũ, khó vận động người dân đồng thuận đấu nối nước thải từ hệ thống cũ sang hệ thống mới vì ảnh hưởng sinh hoạt, dù toàn bộ chi phí đấu nối từ ngân sách. Các cơ sở kinh doanh khi điều chỉnh đấu nối cũng phát sinh chi phí nên cần chủ cơ sở phối hợp. Trường hợp thu gom triệt để nước thải, khi nước mưa tràn ra biển tạo các vệt trên bãi cát, nên cần san gạt thường xuyên để trả lại mỹ quan bờ biển", ông Võ Tấn Hà nói.
Nghiên cứu phương án chuyển dòng về sông Hàn
"Tình trạng nước thải đổ ra ngoài ảnh hưởng môi trường. TP.Đà Nẵng chúng ta mà xả thải như thế thì còn gì là bãi biển nữa? Bãi biển gọi là đẹp nhất thế giới mà để xả thải như thế, trong khi đó thành phố đã đầu tư các hệ thống như thế này. Mục tiêu lớn nhất của thành phố là phải giữ bãi biển này, không bao giờ được phép để ô nhiễm môi trường khu vực biển", ông Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo.
Trong chiều 25.7, ông Nguyễn Văn Quảng và các cơ quan chức năng liên quan đã khảo sát các cửa xả, kiểm tra thực tế các vị trí cống xả của hệ thống mới trước khách sạn Grand Tourane, nhà hàng cơm niêu Hồng Phúc, khách sạn ChicLand (cùng trên đường Võ Nguyên Giáp).
Khi công nhân giở các nắp cống lên, Bí thư Thành ủy đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí ghi hình kỹ tình trạng trong cống không có hoặc rất ít nước. Nguyên do, các cơ sở kinh doanh trong khu vực không đấu nối vào hệ thống thoát nước dù đã hoàn thiện cả năm qua.
"Chúng ta đầu tư ra rất lớn thế này nhưng hơn 1 năm trời không đấu nối, lãng phí tài sản, gây ra ô nhiễm xả thải ra biển, ảnh hưởng trực tiếp cảnh quan. Tôi đề nghị các đơn vị liên quan có giải pháp để người dân, doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm của mình, đảm bảo đưa nước thải vào hệ thống. Phải giám sát thực hiện, ai không chấp hành thì xử lý nghiêm túc để đảm bảo mục tiêu lớn nhất là kiểm soát nước thải trước khi ra môi trường. Tôi đề nghị giải quyết triệt để trong tháng 9", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.
Tại hiện trường, báo cáo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, các cơ quan chức năng nêu phương án về lâu dài, sau khi giải quyết tình trạng đấu nối, cần các giải pháp giữ mỹ quan không để hệ thống xả ra biển Đà Nẵng, trong đó có phương án triển khai hệ thống chuyển dòng về sông Hàn ước tính khoảng 385 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Quảng cho rằng, về lâu dài chủ trương sẽ bịt tất cả cửa xả ra biển Đà Nẵng, chuyển dòng đổ về cho sông Hàn như hệ thống thu gom nước mưa dự án đường Hồ Xuân Hương. Do đó đề nghị các cơ quan liên quan tính toán, đưa ra HĐND thành phố xem xét vào kỳ họp cuối năm.