Bộ Nội vụ mới đây đã có văn bản gửi Sở Nội vụ Hà Nội liên quan việc xây dựng đề án thành lập thành phố trực thuộc thủ đô.
Theo đó, Bộ Nội vụ cho biết căn cứ đề nghị của UBND TP, bộ dự kiến tổ chức cuộc họp để trao đổi với UBND thành phố và các bộ, cơ quan trung ương liên quan về đề án mô hình thành phố trực thuộc thủ đô.
Trong đó dự kiến cuộc họp xác định việc quy định mô hình tổ chức chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố trực thuộc thủ đô thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Bộ đề nghị UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan trung ương liên quan nghiên cứu lập hồ sơ, đề án thành lập thành phố và các phường thuộc thành phố trực thuộc thủ đô, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Cuộc họp cũng dự kiến sẽ nghiên cứu, đề xuất quy định mô hình tổ chức chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố trực thuộc thủ đô trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thủ đô năm 2012.
Trường hợp xây dựng đề án riêng về mô hình tổ chức chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố trực thuộc thủ đô trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành nghị quyết riêng, đề nghị UBND TP Hà Nội chủ động xây dựng đề án.
Việc này được thực hiện sau khi có kết quả sơ kết thực hiện nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và nghị quyết liên quan.
Bộ Nội vụ nêu rõ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương liên quan thẩm định hồ sơ, đề án của UBND TP Hà Nội, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho hay thành phố sẽ tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển hai thành phố trực thuộc thủ đô.
Trong đó dự kiến thành phố ở phía bắc sông Hồng gồm huyện Mê Linh, Đông Anh và Sóc Sơn. Đây sẽ là thành phố dịch vụ, hội nhập quốc tế. Hà Nội lấy sân bay Nội Bài là trung tâm phát triển của thành phố này.
Thành phố thứ hai trong lòng thủ đô Hà Nội dự kiến được xây dựng ở phía tây, khu vực Hòa Lạc hiện nay. Hà Nội định hướng đây sẽ là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục - đào tạo.
Lãnh đạo thành phố cho hay nền móng của thành phố này đã có sẵn. Cụ thể như Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia.
Đồng thời thời gian tới, Chính phủ sẽ bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội. Cơ quan chức năng cũng đưa ra định hướng di dời các trường đại học trong nội thành lên khu vực này.
Việc xây dựng hai thành phố này cũng nằm trong nội dung điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Bí thư Đinh Tiến Dũng dành cho Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn này khi vừa bước qua thời điểm 1 năm 8 tháng nhận trọng trách ở Thủ đô. Ông đau đáu với dự án Vành đai 4 nhưng không coi đó là "dấu ấn nhiệm kỳ". Ông cũng "đau với câu Hà Nội không vội được đâu".
Xem thêm: mth.42985059161103202-ion-ah-od-uht-couht-curt-ohp-hnaht-hnih-om-na-ed-gnud-yax/nv.ertiout