Thống đốc BOJ, Haruhiko Kuroda
Việc BOJ không thay đổi lãi suất khiến một số nhà phân tích ngạc nhiên nhưng không có khả năng dập tắt suy đoán rằng BOJ sẽ bình thường hóa chính sách tiền tệ khi lạm phát ở Nhật Bản tăng nhanh và Thống đốc Haruhiko Kuroda sắp kết thúc nhiệm kỳ.
Điều này chỉ cho thấy một bước thụt lùi tạm thời đối với việc đặt cược vào đồng yên mạnh hơn và việc bán tháo trái phiếu khi các nhà phân tích cho rằng câu hỏi lớn trong thời gian tới là khi nào ngân hàng trung ương rút khỏi chính sách kiểm soát đường cong lợi suất.
Mayank Mishra, chiến lược gia tại Standard Chartered cho biết: “Chúng tôi xem đây là bước tạm dừng trên con đường tiếp tục bình thường hóa chính sách. Chúng tôi vẫn lạc quan về đồng yên, kỳ vọng chênh lệch lợi suất sẽ tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn cho đồng tiền này trong quá trình bình thường hóa chính sách của BOJ và làm chậm tăng trưởng cũng như lạm phát toàn cầu”.
Trong khi đó, trái phiếu ở các thị trường toàn cầu khác được xem là có rủi ro cao nhất từ bất kỳ sự thay đổi chính sách nào đẩy lợi suất của Nhật Bản cao hơn, điều này có thể gây ra làn sóng tiền chảy ngược về quốc gia từ các khoản nắm giữ đáng kể ở nước ngoài. Các nhà đầu tư Nhật Bản là chủ sở hữu trái phiếu chính phủ nước ngoài lớn nhất và các chiến lược gia cho biết trái phiếu ở Úc và Pháp cũng dễ bị tổn thương.
Theo dữ liệu sơ bộ từ Bộ Tài chính Nhật Bản, lợi suất của Nhật Bản gia tăng đã giúp thúc đẩy doanh số bán kỷ lục kể từ năm 2005 với 21.700 tỷ yên (166 tỷ USD) trái phiếu nước ngoài vào năm 2022.
Richard Franulovich, người đứng đầu bộ phận chiến lược tiền tệ tại Westpac Banking Corp cho biết: “Nỗi sợ hãi lớn nhất là sự xáo trộn hàng loạt có thể xảy ra nếu các nhà đầu tư Nhật Bản đồng loạt rời khỏi thị trường trái phiếu Mỹ, khu vực đồng euro và Úc nhờ lợi suất địa phương tốt hơn. Thông tin này giúp BOJ được định vị là mỏ neo cho lợi suất toàn cầu”.
BOJ vẫn quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0% với biên độ 0,5%. Đã có một số kỳ vọng rằng BOJ sẽ tăng trần biên độ hoặc bỏ kiểm soát đường cong lợi suất.
Kerry Craig, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management cho biết: “Thị trường đang tìm kiếm thứ gì đó không có trong điều khoản thay đổi chính sách từ BOJ. Rõ ràng là họ sẽ tập trung vào việc đạt được khả năng định hướng thị trường, thay vì để thị trường ra lệnh cho họ điều gì sẽ xảy ra”.
Lập trường của BOJ mở đường cho ít nhất là sự suy yếu ngắn hạn của đồng yên với một số nhà phân tích cho rằng điều đó có thể làm đồng yên giảm xuống còn khoảng 135 mỗi đô la. Một số nhà phân tích khác cũng nhấn mạnh tính không bền vững của việc BOJ mua trái phiếu như một con đường để đổi mới sức mạnh của đồng yên.
Amir Anvarzadeh, chiến lược gia tại Asymmetric Advisors cho biết: “Sớm hay muộn thì họ cũng cần phải điều chỉnh lại chính sách kiểm soát đường cong lợi suất cho dù dưới triều đại của thống đốc Kuroda hay thống đốc tiếp theo, nhưng khối lượng mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản của họ vẫn không bền vững và đồng yên sẽ mạnh trở lại mức 120”.
Ngân hàng trung ương cho biết, họ sẽ tiếp tục mua trái phiếu chính phủ với quy mô lớn và tăng mua trên cơ sở linh hoạt nếu cần. BOJ cũng tăng cường cung cấp các khoản vay cho các ngân hàng thương mại nhằm khuyến khích các ngân hàng mua thêm trái phiếu.
Ngoài ra, cuộc khảo sát của Bloomberg trong tháng này cho thấy các nhà kinh tế đang dự báo BOJ sẽ có sự thay đổi chính sách. Một số nhà kinh tế hiện dự đoán BOJ sẽ có một sự điều chỉnh vào tháng 4, vào cuộc họp đầu tiên được lên lịch dưới thời thống đốc mới, trong khi những người khác mong đợi một sự xoay trục vào tháng 6.
Hideo Kumano, chuyên gia kinh tế điều hành tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life cho biết, quyết định trong cuộc họp mới nhất “có nghĩa là có nhiều khả năng BOJ sẽ chuyển khung chính sách hiện tại cho lãnh đạo tiếp theo thay vì thay đổi nó dưới thời Thống đốc Kuroda”.