Theo thông cáo, Công ty liên quan đến vụ án là Công ty cổ phần phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm (“Công ty Bắc Từ Liêm”). Cho đến thời điểm hiện tại, Công ty Bắc Từ Liêm là pháp nhân độc lập với Công ty Vimedimex.
“Công ty Bắc Từ Liêm không là công ty thành viên, không là công ty con, không có vốn sở hữu của Công ty Vimedimex”, thông cáo cho biết.
Theo đó, năm 2016, Công ty Bắc Từ liêm và Công ty Vimedimex hợp tác để phát triển dự án, thông qua việc cùng sử dụng bản quyền thương hiệu Vimefulland thuộc sở hữu hợp pháp của Công ty Vimedimex.
Đây là cơ sở pháp lý để đảm bảo tuân thủ Tiêu chuẩn sản phẩm bất động sản; Tiêu chuẩn giám sát thi công dự án; Tiêu chuẩn về quản lí vận hành mang thương hiệu Vimefulland, các Hợp đồng sử dụng bản quyền thương hiệu được công bố công khai trên Website:Vimefulland.net.vn/Vimefulland.com.vn.
Công ty Vimedimex phát triển mô hình kinh doanh bất động sản này từ mô hình phát triển dự án mà thế giới đã áp dụng có lịch sử hàng trăm năm, nhưng ở Việt Nam thì Vimefulland là đơn vị tiên phong áp dụng, nhằm cắt giảm chi phí quản lý lên đến 60%, cũng như tuân thủ tiêu chuẩn khi sử dụng bản quyền thương hiệu Vimefulland của Công ty Vimedimex.
Công ty Bắc Từ Liêm phải thanh toán chi phí sử dụng bản quyền thương hiệu và chi phí quản lý sử dụng mô hình quản lý dự án, nhân sự trong thời gian triển khai dự án, từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thi công xây dựng, đến nghiệm thu bàn giao đưa dự án vào quản lý vận hành.
Điển hình Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp công trình căn hộ, văn phòng và công cộng tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, khi kết thúc giai đoạn chuẩn bị đầu tư, Công ty Vimedimex đã phân bổ chi phí quản lý trong thời gian 10 năm là 52,1 tỷ đồng, nếu chia cho 1 tháng chi phí quản lý là 433, triệu đồng/1 tháng, nếu chia theo tỷ lệ nắm giữ cổ phần dự án của 2 nhà đầu tư như TMC nắm giữ 40% tương đương với 173 triệu đồng/1 tháng, mô hình này tiết kiệm được 60% chi phí quản lý cho một dự án và rất phù hợp với hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản với thời gian đầu tư lên đến 10 năm của Việt Nam).
Vimedimex khẳng định, trách nhiệm của các cá nhân từng là lãnh đạo của Công ty trong vụ án này cần chờ sự xét xử nghiêm minh của pháp luật. Họ phải chịu trách nhiệm cá nhân về những hành vi, vi phạm của mình và không liên quan đến Công ty Vimedimex.
Thông cáo cũng phủ nhận thông tin về việc Công ty Vimedimex khắc phục hậu quả thiệt hại cho nhà nước là 580 tỷ đồng. “Không có bất kì văn bản của cơ quan quản lí nhà nước quy định hay kết luận về việc Công ty Vimedimex gây thiệt hại và yêu cầu công ty phải bồi thường thiệt hại cho nhà nước 580 tỷ đồng…”
Lãnh đạo và nhân viên Công ty Vimedimex
Cũng theo thông cáo của Công ty Vimedimex, giai đoạn 2015-2021, Công ty đã nộp 8.387.281.237.873 đồng tiền thuế và đã được cơ quan quản lí nhà nước về thuế ghi nhận cụ thể bằng văn bản. Tuy nhiên, kể từ thời điểm tháng 11/2021 đến nay, tình hình kinh doanh của Công ty Vimedimex sa sút nghiêm trọng, đời sống của người lao động không được đảm bảo do nhiều nguồn thông tin bất lợi. Đặc biệt, thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước bình quân mỗi năm với một con số không hề nhỏ, khi hàng năm Công ty Vimedimex nộp ngân sách trên 1.000 tỷ đồng, tuy nhiên kể từ tháng 11/2021 đến nay, nguồn thu ngân sách nhà nước giảm xuống 30%.
Đại diện Vimedimex cho biết, mặc dù không liên quan đến vụ án, nhưng những thông tin dư luận gần đây đã ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, tên gọi, uy tín của Công ty.
Vimedimex khẳng định đã có sự thay đổi về nhân sự lãnh đạo, mọi hoạt động của Công ty đang diễn ra và tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật.