Sự trở lại đông vui mùa kịch Tết
Khoảng tháng 4, 5 năm nay, có hai sân khấu ngưng diễn định kỳ, chuyển sang diễn kịch theo mùa là Hoàng Thái Thanh, kịch Hồng Vân, lúc đó thành phố chỉ còn ba đơn vị có thể sáng đèn diễn định kỳ hằng tuần là sân khấu Idecaf, sân khấu Thế Giới Trẻ và nhà hát kịch 5B.
Mùa kịch Tết năm nay thật vui khi các sân khấu đều sáng đèn đầy đủ và bổ sung thêm hai sân khấu mới là nhà hát Thanh Niên và sân khấu Trương Hùng Minh (của nghệ sĩ Minh Nhí và Việt Hương).
So với nhiều năm trước, mỗi mùa kịch Tết sân khấu thành phố có thể trình làng hơn 30 vở mới thì năm nay chỉ có khoảng 12 vở mới. Dù số lượng không nhiều nhưng nhìn chung khá đa dạng thể loại.
Hài kịch vẫn chiếm số lượng đông đảo để đáp ứng nhu cầu muốn tìm tiếng cười nhẹ nhàng, sảng khoái ngày Tết của khán giả.
Có thể kể ra như Bất ngờ chưa bà già!!! (nhà hát Thanh Niên), Tía ơi chồng con đâu (nhà hát kịch 5B), Thả thính mà hổng dính (sân khấu Thế Giới Trẻ), Đảo thoát ế (sân khấu kịch Quốc Thảo). Nhạc kịch có vở Em em chị chị (nhà hát Thanh Niên).
Kịch có yếu tố tâm linh như Trái tim oan khuất (sân khấu Hoàng Thái Thanh), yếu tố kinh dị như Nghiệp quật, Khuya rồi đừng giỡn mặt (sân khấu Hồng Vân)…
Kịch dân gian, cổ trang như Đụng vô là phỏng tay, Loạn thế chi vương (sân khấu Trương Hùng Minh)…
Hầu hết các sân khấu đều sắp lịch diễn từ mùng 1 đến mùng 8, trung bình mỗi ngày hai suất. Không chỉ trình làng vở mới mà nhiều sân khấu còn diễn xen kẽ vở cũ còn ăn khách để khán giả có nhiều lựa chọn.
Chẳng hạn như sân khấu Hoàng Thái Thanh bên cạnh vở chủ đạo là Trái tim oan khuất, còn có các vở Mùi của hạnh phúc, Nửa đời ngơ ngác, Bông hồng cài áo, Bạch Hải Đường, Rau răm ở lại…
Kịch Tết: kẻ vắng bóng, người trở lại
Sân khấu kịch Idecaf năm nay không dựng vở mới mà làm lại hai vở cũ là Thuốc đắng giã tật và Cưới vợ cho ai. Năm nay, nghệ sĩ Thành Lộc vì lý do cá nhân nên không diễn mùa kịch Tết. Trong khi đó, nghệ sĩ Đại Nghĩa sau năm năm không diễn tại Idecaf sẽ quay lại mùa kịch Tết với vai chú Mạnh trong Thuốc đắng giã tật.
Nhà hát Thanh Niên được thành lập từ ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, cũng là ông bầu của sân khấu Idecaf, chào đón những "cựu binh" của Idecaf như Ngọc Trinh, Hồng Ánh… trở lại với mùa kịch Tết.
Trong hai vở mới của sân khấu Thế Giới Trẻ, có vở Thả thính mà hổng dính (đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) là vở được Hội Sân khấu TP.HCM đầu tư dàn dựng. Ông Trần Ngọc Giàu - chủ tịch hội - cho biết mỗi năm kịch bản dự trại sáng tác của hội đoạt giải cao sẽ được đầu tư dàn dựng.
Trước đây, hội cũng đã đầu tư cho vở Chạy ở nhà hát kịch 5B, vở Chuyện làng ở sân khấu Sen Việt.
Và lần này là vở Thả thính mà hổng dính (tên kịch bản gốc là Đơn xin tự tử của tác giả Đăng Nhân đoạt giải A năm 2021).
"Chủ trương của chúng tôi là sử dụng kịch bản đoạt giải rồi thấy sân khấu nào phù hợp, thực lực của sân khấu đó đảm bảo được chất lượng, đời sống của vở, chúng tôi sẽ luân phiên đầu tư.
Vài vở trước đây, chúng tôi giao không đúng dẫn đến đời sống không có thì thật là phí. Có thể nói đây là lần đầu tiên chúng tôi lựa chọn đơn vị mà mình thấy có thể đảm bảo kéo dài suất diễn ra với công chúng. Trước mắt, Thế Giới Trẻ đã sắp lịch diễn cho vở vào mùa Tết 10 suất" - ông Giàu nói.
Thả thính mà hổng dính cũng đánh dấu sự góp mặt của nghệ sĩ Hoài Linh mùa kịch Tết, anh còn tham gia vở Đụng vô là phỏng tay.
Trong khi đó, nghệ sĩ Việt Hương trụ chính ở vở Loạn thế chi vương. Vở diễn mang màu sắc cung đấu với sự góp mặt của "Nữ hoàng phim xưa" Quỳnh Lam trong vai hoàng hậu.
Nhà hát kịch 5B cũng gây bất ngờ khi không chỉ đầu tư kịch người lớn là Tía ơi chồng con đâu và chùm hài kịch Gọi số "trúng" số, mà còn đầu tư hơn trăm triệu đồng dựng vở kịch thiếu nhi Đại náo Long cung (kịch bản: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Bảo Chu).
Có thể nói, hiếm khi nào mà mùa kịch Tết lại có kịch thiếu nhi… đi lạc! Lý do bà bầu Mỹ Uyên quyết định làm kịch thiếu nhi "trái mùa" là do cả năm qua chị khởi động chương trình kịch thiếu nhi vào các sáng cuối tuần tại nhà hát.
Ban đầu vẫn phải gồng bù lỗ, nhưng mùa hè vừa qua đã có 20 trường học hợp đồng đặt suất diễn, phụ huynh cũng biết đến nhiều và bắt đầu dẫn con đi xem, có bé xem một vở tới 6, 7 lần và còn đi xem với ông bà, cha mẹ, cô dì…
Tết năm nay, Mỹ Uyên nhận thấy rạp không có phim thiếu nhi, chị tự hỏi cả nhà sẽ cùng đi giải trí ở đâu và nghĩ đến lượng khán giả đã có sẵn từ kịch thiếu nhi gầy dựng cả năm qua nên chị quyết định bắt tay làm kịch thiếu nhi cho mùa Tết.
Và lần này chị đầu tư làm sân khấu lung linh hơn, trang phục đẹp bắt mắt với những con dã tràng, sứa biển, tôm, cua, rùa… trong một câu chuyện kêu gọi các bé hãy giữ gìn môi trường, bảo vệ nguồn lực biển khơi.
Hai diễn viên giỏi của nhà hát là Mỹ Uyên, Chánh Trực cùng tham gia vở với các diễn viên trẻ để tăng thêm sức hấp dẫn cho vở. Diễn viên điển trai Thiện Ngô, Việt kiều Mỹ về nước chơi dịp Tết cũng được nhà hát mời vào hai vở mới Tía ơi chồng con đâu và Đại náo Long cung.
Không chỉ đầu tư chương trình mới nhiều nhất Tết năm nay mà có những ngày nhà hát còn "cả gan" sắp lịch đến bốn suất diễn trong một ngày, xen kẽ kịch thiếu nhi - người lớn với các khung giờ 9h15, 13h30, 16h30 và 20h.
Mùa kịch Tết năm nay, không hẹn mà gặp, rất nhiều nghệ sĩ đã gián đoạn kịch Tết lâu năm, nay trở về khiến không khí sân khấu thêm rộn ràng...
Xem thêm: mth.18941449081103202-3202-tet-hcik-iv-ud/nv.ertiout