Nhớ lại, đúng 10 năm trước, vào năm 2010, lúc đó Lý Huỳnh còn giữ danh hiệu NSƯT, ông “bao” tôi để tôi đi với ông đem bộ phim Tây Sơn hào kiệt (từng ra mắt tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 năm 2009) ra Hà Nội tham dự các sự kiện trọng thể trong khuôn khổ đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Năm 2009, tôi đã chứng kiến ông hồ hởi bên gian hàng giới thiệu hãng phim Lý Huỳnh và tác phẩm Tây Sơn hào kiệt bao nhiêu thì tại đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi vẫn thấy con người ấy, ngọn lửa ấy!
“Phim phải đầu tư lớn mới lôi cuốn được người xem”
Những năm 1980, tôi công tác ở Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM rồi một số báo in, báo điện tử… Qua công việc của một nhà báo, tôi quen và thân thiết với rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn điện ảnh. Hồi đó, sức trẻ nên tôi thường xuyên theo các đoàn phim ra hiện trường quay phim, thậm chí có đạo diễn còn đề nghị tôi đóng vài vai phụ nho nhỏ lướt qua màn ảnh cho vui… Từ công việc đó, tôi kết thân với “gia đình điện ảnh” Lý Huỳnh.
Hơn 40 năm qua, NSND Lý Huỳnh thành công ở nhiều vai trò: Diễn viên, đạo diễn và cả nhà sản xuất. Ông là một trong những nghệ sĩ gạo cội của màn ảnh Việt, là diễn viên Việt Nam đầu tiên đưa tinh hoa võ thuật nước nhà vào nghệ thuật thứ bảy. Khi đã hơn 70 tuổi, Lý Huỳnh vẫn dành rất nhiều tâm huyết cho phim Việt.
Những ngày lăn lộn cùng Lý Huỳnh ở Hà Nội, tôi mới có dịp nghe vị võ sư từng thách đấu với Lý Tiểu Long tâm sự về điện ảnh một cách đầy… lý luận. Theo ông thì điện ảnh Việt những năm đó đang nhận được sự quan tâm trở lại của khán giả, người xem đã quay lại rạp. Nhưng Lý Huỳnh cũng chỉ ra rằng muốn giữ được điều này phải làm phim nghiêm túc, phim phải được đầu tư lớn, hoành tráng, hấp dẫn mới lôi cuốn người xem! Ông đặc biệt nhấn mạnh: Diễn xuất của diễn viên phải để lại cảm xúc trong lòng khán giả, những tác phẩm “thường thường” bây giờ không thể có đời sống lâu dài ngoài rạp chiếu. Là một nhà làm phim chưa bao giờ “xin kinh phí nhà nước” nên ông cũng không bỏ qua nhận xét về khán giả: Trình độ của khán giả hiện nay về chất lượng phim cao lắm, không thể bắt họ bỏ ra bốn, năm chục ngàn (vào năm 2010) mua vé vào rạp để xem một bộ phim dở!
NSND Lý Huỳnh cùng hai con (nghệ sĩ Lý Hùng và nghệ sĩ Lý Hương) trong một lần đến thăm các nghệ sĩ. Ảnh: GĐCC
Dám bỏ ra “núi tiền” 14 tỉ đồng làm phim lịch sử
NSND Lý Huỳnh cũng nói về “núi” tiền mà gia đình ông bỏ ra đầu tư cho phim Tây Sơn hào kiệt: 14 tỉ đồng, bằng vài căn nhà ở khu vực trung tâm TP lúc đó! Ngoài 12 tỉ đồng làm phim, ông còn phải bỏ thêm 2 tỉ đồng làm hậu kỳ tại Hong Kong, hợp tác với hãng Magic, nơi từng làm hậu kỳ cho nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như phim bom tấn Hero (Anh hùng) của Trung Quốc. Lý Huỳnh say sưa giải thích về kỹ thuật cho tôi, một anh nhà báo abc về điện ảnh: Phim gốc quay xong thường ánh sáng không đẹp, hoặc sậm màu quá, hoặc chói nắng quá. Khi các cảnh phim được lọc qua máy, có thể chỉnh độ sáng tối, màu sắc cho từng cảnh quay, màu sắc phim sau khi chỉnh lý rất đẹp. Nước mình hiện nay chưa có máy này, nếu mua giá phải đến 2 triệu USD!
Sáng 22-10, nghệ sĩ Lý Huỳnh qua đời tại nhà riêng ở TP.HCM sau nhiều năm bệnh nặng. Tang lễ của nghệ sĩ Lý Huỳnh diễn ra tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (TP.HCM). Ngày 24-10, linh cữu nghệ sĩ sẽ được an táng tại Phúc An Viên, quận 9. |
Nếu ở vai trò diễn viên, Lý Huỳnh trong vai Hai Lúa được xem là “để đời” với giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất Liên hoan phim Việt Nam năm 1983 thì Tây Sơn hào kiệt là tác phẩm mà ông ưng ý nhất ở vai trò tổng đạo diễn. Lý Huỳnh không giấu niềm vui sướng khi nhắc lại: Xem xong Tây Sơn hào kiệt, Cục trưởng Cục Điện ảnh Lại Văn Sinh và đạo diễn Đặng Nhật Minh nói: “Điện ảnh Việt Nam cần những người như anh, đầy nhiệt huyết với phim Việt, làm ra những tác phẩm như vậy để phục vụ người xem. Chúng ta rất cần thêm những người như Lý Huỳnh”.
Khi đó, Lý Huỳnh cho biết ông còn nuôi nhiều ý tưởng với dòng phim cổ trang lịch sử. Ông hào hứng và không giấu các dự án tương lai, hãng phim Lý Huỳnh sẽ bàn bạc các kịch bản đề tài lịch sử về nữ tướng Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, các danh tướng Trần Quang Diệu, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt… Từ Thăng long đệ nhất kiếm (sản xuất năm 1998), Lý Huỳnh liên tiếp làm đạo diễn các phim Sơn thần thủy quái, Thanh gươm để lại và bây giờ là Tây Sơn hào kiệt. Ông luôn tự tin rằng với nhiều thập niên làm phim lịch sử thì võ thuật là thế mạnh của hãng phim Lý Huỳnh.
Khi mà ngoài rạp chiếu hàng lô lốc phim hài, tình cảm nhẹ nhàng dễ dàng “thắng lớn” thì người võ sư già, người diễn viên gạo cội, người đạo diễn tài ba lại tự bỏ tiền làm loại phim “gây khó”, khó từ kịch bản (phải chính xác) đến kinh phí (lớn), từ diễn xuất (diễn viên phải biết võ thuật) đến đạo diễn… Khi tôi hỏi về những cái khó này, NSND Lý Huỳnh bộc trực: “Đơn giản là vì tôi muốn nhắc nhở tuổi trẻ về những vị anh hùng dân tộc. Lịch sử Việt Nam có rất nhiều anh hùng văn võ song toàn, sao chúng ta không tái hiện những hình ảnh ấy trên phim, để thế hệ sau học hỏi những điều hay!”.
Nghiêng mình kính tiễn NSND Lý Huỳnh về cõi vĩnh hằng, tôi tin rằng chúng ta, dù trong hay ngoài ngành điện ảnh cũng cần luôn nhớ điều mà vị võ sư - diễn viên - đạo diễn NSND Lý Huỳnh mong mỏi thực hiện cả đời: “Tôi muốn nhắc nhở tuổi trẻ về những vị anh hùng dân tộc”! Quan trọng hơn, Lý Huỳnh đã làm điều đó bằng của cải riêng của gia đình mình!
Từng thách đấu với Lý Tiểu Long Nghệ sĩ Lý Huỳnh tên thật là Lý Kim Tuyền, sinh năm 1942 tại tỉnh Vĩnh Long. Ông là ngôi sao võ thuật ở miền Nam trước năm 1975, được xếp vào nhóm “Nam Kỳ tứ tú”, tức bốn ngôi sao sáng của Nam Kỳ. Năm 1973, ông công khai thách đấu với Lý Tiểu Long. Từ năm 1972 đến 1989, Lý Huỳnh đóng phim và trở thành ngôi sao võ thuật điện ảnh. Các bộ phim gắn với tên tuổi của ông là Long hổ sát đấu, Quái nữ Việt Quyền Đạo, Báu kiếm rửa hận thù, Hải vụ 709... |