Những chuyến hàng xuất khẩu cuối năm 2022
Theo VOV, những ngày cuối năm 2022, nông dân nhiều nơi ở tỉnh Long An thật sự phấn khởi khi kết thúc một năm trúng mùa bằng những chuyến hàng xuất khẩu cuối cùng của năm. Trên những cánh đồng chanh đang vào vụ thu hoạch ở huyện Bến Lức, các hộ nông dân đang làm việc hết công suất cho kịp các đơn hàng, sau nhiều năm thị trường xuất khẩu khó khăn bởi dịch bệnh.
Như thường lệ, gia đình anh Trần Văn Năm cũng ra đồng từ sớm, khẩn trương thu gom chanh tươi trên diện tích hơn 2ha chanh với 2/3 sản lượng chanh đạt chuẩn GlobalGap. Chanh của nhà anh Năm và nhiều nông dân khác được Công ty Chanh Việt, Long An, bao tiêu để xuất sang Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Na Uy.
Anh Năm chia sẻ, nông dân trên địa bàn tỉnh Long An từ nhiều năm trước chủ động liên kết với nhau để những vườn chanh nhỏ kết thành những cánh đồng lớn hàng chục ha, có sản lượng ổn định, được quản lý điều tiết sản lượng, chất lượng theo quy trình GlobalGap, VietGap... Nhờ vậy mà chanh xuất khẩu ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“So với những loại trái cây khác, chanh của bà con đợt này tiêu thụ khá mạnh. Tết này hầu hết các nông hộ đều đạt sản lượng, chất lượng đúng yêu cầu, được thu mua giá cao nên rất phấn khởi”, anh Năm cho hay.
Bà Bùi Thị Ba nổi tiếng là tỷ phú trồng chanh từ hai bà tay trắng ở Long An. Mỗi ngày, bà Ba thu 30 – 40 tấn chanh/ngày, cao điểm thu 100 tấn chanh/ngày. Thị trường xuất khẩu chanh của bà Ba là Ả rập Xê-út, Trung quốc, Singapore, Malaysia, Trung Đông… Trung bình, bà Ba xuất khẩu 4 container chanh/tuần (23 tấn/container).
Ông Nguyễn Văn Hiển Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và đầu tư Chanh Việt (CHAVI) cho biết, chanh tươi thu hoạch về sẽ được sơ chế đóng gói xuất tươi. Số còn lại được chế biến ra khoảng 50 loại sản phẩm khác, như: bột chanh hoa tan, chanh tẩm mật ong, trà chanh... rồi xuất khẩu. Trung bình mỗi tháng công ty xuất khoảng gần 10 tấn chanh tươi sang một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản... Ngay những ngày cuối năm 2022, công ty có thêm đơn hàng mới sang Trung Quốc, Na Uy và mở rộng thêm thị trường Trung Đông.
Chanh được giá và có thị trường ổn định là tín hiệu vui cho doanh nghiệp và nông dân. Ông Nguyên Văn Hiển chia sẻ, mặc dù chanh tươi và các sản phẩm từ chanh đang chịu sự cạnh tranh rất lớn, nhưng với sự đầu tư và nâng cao ý thức canh tác của nông dân nên chanh Long An vẫn có chỗ đứng riêng.
“Tín hiệu thị trường nông sản trước Tết có những dấu hiệu rất khả quan. Giá chanh hiện đã được mười mấy ngàn, so với trước đây chỉ có 3.000 - 5.000 đồng/kg, như vậy giá chanh đã tăng gấp mấy lần”, ông Hiển chia sẻ.
Theo ông Lê Văn Nam, Trưởng phòng NNPTNT huyện Bến Lức, huyện đang có 6.800ha diện tích trồng chanh. Vựa chanh lớn nhất tỉnh Long An này có khoảng 85% diện tích trồng chanh xuất khẩu. Trong đó, hơn 50% chanh xuất khẩu sang Trung Đông, 15% xuất sang châu Âu…
Nhiều gia đình tập trung trồng chanh xuất khẩu
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với Dân Việt hồi cuối năm 2022, ông Trần Duy Thuận, Giám đốc HTX Chanh Bến Lức, HTX thành lập 2015 cho biết hiện, HTX có 14 thành viên. Vùng nguyên liệu của HTX là 14ha trồng chanh chuẩn GlobalGAP tự động hóa. Ngoài ra, HTX liên kết nông dân trồng chanh với 40ha và thu mua chanh cho nông dân trên địa bàn với khoảng 400ha.
Trung bình mỗi năm, HTX Chanh Bến Lức xuất khẩu khoảng 500 tấn chanh đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện, mỗi tuần HTX xuất sang thị trường Trung Đông 1 – 2 containner chanh không hạt.
Năm vừa qua xuất khẩu chanh tăng và nhằm nâng cao giá trị, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm chanh trên thị trường, HTX đã hiện đại hóa các khâu sản xuất chanh, như tưới nước, phun thuốc, làm đất, sơ chế..., ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho năng suất tăng cao 2 - 3 lần so với làm thủ công.
Cũng theo ông Thuận, HTX đang chuẩn bị cho sản phẩm chế biến từ chanh là sản xuất sản phẩm nước rửa sinh học vừa bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, vừa tăng tiêu thụ chanh cho bà con nông dân.
Tiếp sức cho nông sản xuất khẩu
Theo Sở NN&PTNT Long An, huyện Bến Lức hiện nay trở thành vùng chanh nguyên liệu lớn nhất. Cả huyện có 7.000 ha chanh, trong đó có 6.500 ha chanh không hạt, được trồng tập trung thành những cánh đồng rộng. Phần lớn diện tích chanh được doanh nghiệp hỗ trợ nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo các yêu cầu xuất khẩu. Gần 90% sản lượng chanh ở Bến Lức dành xuất sang các thị trường Trung đông, EU, Mỹ, Nhật Bản và một số quốc gia lân cận.
Trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất đạt chuẩn GlobalGAP và theo hướng GAP hiện nay, Long An xác định cây chanh là cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định hơn so với cây trồng khác. Cây chanh cùng những sản phẩm từ chanh của Long An hiện nay đủ tiềm lực để cạnh tranh và tiếp cận được những thị trường mới, khó tính.
“Ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh mời gọi, kết nối với các doanh nghiệp để cùng tham gia thực hiện. Hàng năm Sở cùng với các đơn vị cụ thể hóa hoạt động trên từng cây con, làm sao tạo ra được những sản phẩm an toàn, chất lượng, tạo ra được thương hiệu cho hàng hóa... Từ đó giúp cho bà con nông dân tăng thu nhập, người tiêu dùng có những sản phẩm sạch tốt hơn trong cuộc sống”, ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT Long An cho biết.
Trong thời gian tới, cùng với việc hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, HTX sản xuất ứng dụng công nghệ cao, UBND tỉnh Long An tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ về cấp mã vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, xây dựng kết cấu hạ tầng vùng chanh... Tỉnh nỗ lực thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để mở rộng thị trường cho nông sản nói chung, trong đó có cây chanh.
“Trong kế hoạch xúc tiến thương mại của Sở Công Thương luôn ưu tiên các mặt hàng nông sản. Ngoài thanh long, hiện nay Sở đang tập trung phát triển thị trường gạo và các sản phẩm chanh, chuối, mít... Đặc biệt hiện nay Long An có sản phẩm mới là sầu riêng. Hiện Long An đã có 2 cơ sở sầu riêng được cấp mã vùng trồng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc”, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương Long An giới thiệu.
Năm nay xuất khẩu trái cây của cả nước mang về hơn 3,1 tỷ USD
Ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đánh giá tổng quan năm 2022 là năm khá thành công của xuất khẩu trái cây vì có nhiều thị trường mới, nguồn cung cũng dồi dào, gần Tết nhưng tình hình biên giới lưu thông tốt…
Cụ thể, ông Nguyên liệt kê các sản phẩm như: chuối, sầu riêng, chanh dây xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc; nhãn tươi nhập khẩu vào Nhật Bản; bưởi da xanh, chanh được nhập khẩu vào thị trường New Zealand.
"Đó là chưa kể những sản phẩm trái cây chủ lực xuất khẩu tại các tỉnh phía Nam đang vụ mùa thu hoạch như thanh long, chuối, mít, xoài, bưởi… Trong khi ngày càng có nhiều thị trường mở cửa cho trái cây tươi Việt Nam, nên tôi dự đoán năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này khởi sắc, kỳ vọng đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng trưởng ít nhất là 20% so với năm 2022", ông Nguyên nói.
Phân tích thêm cho con số 4 tỷ USD này, ông Nguyên giải thích hiện nay Việt Nam có 4 mặt hàng có nghị định thư (sầu riêng, chuối, khoai lang, chanh dây mới xuất thí điểm), năm 2023 dự kiến sẽ đàm phán 8 mặt hàng (thanh long, dưa hấu, xoài…) từ xuất chính ngạch sang xuất theo nghị định thư đi Trung Quốc.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xây dựng kế hoạch đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi là 5 tỷ USD.
"Nên dự kiến xuất khẩu mang về 4 tỷ USD vào năm 2023, tăng dần lên 4,5 tỷ vào năm 2024, để đến năm 2025 như kế hoạch đặt ra. Tất cả rất phù hợp và có cơ sở", ông Nguyên nhấn mạnh.
Còn một số doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi cho rằng so với đầu năm và đến năm 2023, chi phí vận chuyển giảm, nhiều thị trường đã mở cửa với trái cây tươi của Việt Nam; Trung Quốc giảm bớt kiểm soát dịch Covid-19, tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu mang về kim ngạch cao hơn.
Trúc Chi (theo VOV, Dân Việt, Tuổi Trẻ)