Ngày 19-1, Mỹ công bố gói viện trợ quân sự trị giá 2,5 tỉ USD cho Ukraine nhưng không có xe tăng, làm gia tăng nghi ngờ về khả năng Đức sẽ gửi xe tăng Leopard của nước này cho Kiev, theo hãng tin Reuters.
Khoản viện trợ mới được đưa ra tại cuộc họp của 11 thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Estonia.
Gói viện trợ của Lầu Năm Góc bao gồm 90 xe chiến đấu Stryker, 59 xe chiến đấu Bradley, bổ sung đạn dược cho hệ thống pháo phản lực HIMARS và hệ thống phòng không NASAMS.
Xe chiến đấu Bradley của Mỹ. Ảnh: REUTERS |
Điều đáng chú ý là trong danh sách viện trợ của Mỹ thiếu vắng xe tăng M1 Abrams. Washington cho rằng xe tăng hiện đại có động cơ phức tạp, yêu cầu bảo trì và tiếp nhiên liệu thường xuyên nên khó sử dụng tại Ukraine.
Việc Mỹ từ chối gửi M1 Abrams sẽ có tác động lớn hơn bởi vì Đức cho biết sẽ chỉ gửi xe tăng Leopard 2 của nước này tới Ukraine nếu Washington gửi M1 Abrams.
Cuộc tranh luận xoay quanh xe tăng Đức đã gây ra những chia rẽ trong NATO gần đây bởi vì các quốc gia có xe tăng Đức cần có sự chấp thuận của Berlin trước khi chuyển giao phương tiện cho nước khác.
Đức lo ngại việc gửi vũ khí hạng nặng có thể làm xung đột leo thang, trong khi các đồng minh phương Tây của Berlin nói rằng mối lo ngại đó là không đúng chỗ.
Ukraine gần đây liên tục kêu gọi viện trợ xe tăng từ phương Tây. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với đài truyền hình ARD của Đức ngày 19-1: “Người dân của chúng tôi đang chết mỗi ngày. Nếu các bạn có xe tăng Leopard, hãy đưa nó cho chúng tôi”.
Cố vấn của ông Zelensky - ông Mykhailo Podolyak viết trên Twitter: “Nhà lãnh đạo thực sự là người làm gương, không phải là ngước nhìn người khác. Từ Washington đến London, từ Paris đến Warsaw, các bạn đều nghe thấy một điều: Ukraine cần xe tăng. Xe tăng là chìa khóa để kết thúc chiến tranh một cách đúng đắn”.