Dân miền xuôi ăn Tết trên núi
Dân kinh doanh dịch vụ từ khắp nơi tựu về, có người đi và về giữa miền xuôi và núi rừng, có người là thế hệ thứ hai gắn bó đời mình với núi, cũng có bạn trẻ chọn đây là nơi "quay về" khởi nghiệp.
Tất cả hội tụ thành tinh hoa của Thiên Cấm Sơn, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Ông Trần Thanh Hùng, xã An Phú, cho biết đã có hơn 10 năm sống nương nhờ núi Cấm, nơi đây luôn tất bật quanh năm khách hành hương tìm về chiêm bái.
Gian hàng của ông vỏn vẹn hai mét vuông, nằm ven lòng hồ Thủy Liêm, bán vài đặc sản như đường thốt nốt, đũa tre mạnh tông, đũa thốt nốt, các loại hạt uống thanh nhiệt cơ thể.
"Ngày thường tôi đi sáng sớm, chiều về, dịp lễ Tết khách đông cả ngày lẫn đêm, tôi mắc võng mùng ngủ luôn trên này. Thu nhập ổn tăng từ trên 200.000 đồng đến hơn 500.000 đồng ngày cao điểm, nhờ đó tôi có công việc để bám trụ", ông Hùng cho hay.
Còn chị Trần Thị Kim Liễu (40 tuổi, xã An Hảo) là thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên ở vùng núi Cấm. Vợ chồng chị thuê đất, mở cửa hàng buôn bán đồ lưu niệm, quán ăn phục vụ khách hành hương.
Tranh thủ những ngày trước Tết, gia đình chị dọn dẹp, trang trí nhà, chăm sóc cây hoa rồi từ 29 tháng chạp trở đi, cả nhà và hàng chục nhân công tại gian hàng bận rộn liên tục từ 4h đến 18h.
"Năm nào cũng vậy, dân buôn bán chúng tôi luôn sắm sửa, chuẩn bị bánh mứt, bàn thờ gia tiên đâu vào đó sẵn sàng. Khi đến đêm giao thừa cũng có đầy đủ các lễ dâng cúng ông bà coi như trọn vẹn. Suốt hơn một tháng trước, trong và sau Tết chỉ khi khách đi ngủ thì chúng tôi mới 'ăn Tết'", chị Liễu chia sẻ.
Bám núi rừng khởi nghiệp
Nghề buôn bán, đón khách hành hương vất vả là thế, nhưng vẫn có nhiều bạn trẻ tìm chọn Thiên Cấm Sơn làm nơi thực hiện hóa giấc mơ "khởi nghiệp xanh" của mình, nơi "quay về" sau những thăng trầm trên đất khách, nhất là sau biến cố của đại dịch.
Chị Nguyễn Thị Kim Quí, 29 tuổi, ngụ xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, An Giang, cho hay đây là năm đầu tiên ăn Tết tại quê nhà, nhưng không ở nhà mà sẽ bám trụ trên núi Cấm đón khách từ xa đến.
Chị Kim Quí cùng với một bạn đồng hành từ TP.HCM quay về An Giang thành lập khu Camping & Homestay Thiên Cẩm Sơn được hơn nửa năm. Khí hậu ôn hòa, mát mẻ, cảnh sắc đặc trưng của núi Cấm giúp cơ sở đạt hiệu ứng khá tốt trong lòng du khách, nhất là các bạn trẻ.
"Hiện tại, chúng tôi có 17 lều tiêu chuẩn, hai lều kiểu Mông Cổ cao cấp và một nhà khách sức chứa 10 người. Tôi đang bố trí thêm hoa, tiểu cảnh sẵn sàng đón khách. Ngoài tham quan, nghỉ dưỡng, chụp hình với các loại trang phục chúng tôi có phục vụ các món ăn như bánh xèo rau rừng, gà đốt…", chị Quí nói thêm.
Ông Đinh Văn Chắc, giám đốc Ban quản lý khu du lịch núi Cấm, cho biết đơn vị đã tiến hành chỉnh trang cảnh quang, bố trí thêm đèn thắp sáng tại nhiều khu, điểm tham quan. Hiện khu vực chợ Mây và công trình dưới tượng Phật Di Lặc đang ráo riết hoàn tất đưa vào phục vụ du khách dịp Tết tới.
"Ngoài ra việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá cả các sản phẩm được thực hiện thường xuyên, những ngày cao điểm chúng tôi còn tăng cường thêm lực lượng bảo vệ, đảm bảo an ninh trật tự, để du khách an tâm tham quan, trải nghiệm", ông Chắc nói.
TTO - Khi lên được “nóc nhà miền Tây” rồi, thế nào cũng phải tiếc hùi hụi bởi bụng dạ không đủ lớn để chứa hết một thế giới rau rừng đang mùa xanh phát tiết.
Xem thêm: mth.46752549012103202-mac-iun-ohn-gnoun-gnos-iougn-gnuhn-auc-tet/nv.ertiout