Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sau một thời gian đưa vào thực thi đã phát huy hiệu quả tích cực, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng cao, lập kỷ lục mới.
15 FTA hỗ trợ đắc lực cho xuất khẩu
Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật của năm 2022 khi Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 730,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 371,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 371,30 tỷ USD, tăng 10,5%, nhập khẩu 358,9 tỷ USD, xuất siêu 12,4 tỷ USD, theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan.
Cán cân thương mại duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với 8 mặt hàng xuất khẩu trên chục tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng tiếp cận thị trường, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Thành tích xuất khẩu đạt gần 372 tỷ USD trong năm 2022 có sự đóng góp không nhỏ của 15 FTA đang thực thi, trong đó có loạt FTA thế hệ mới với khu vực thị trường EU, Vương quốc Anh, CPTPP, RCEP…
Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 17 FTA, trong đó có 15 FTA đang thực thi, 2 FTA đang đàm phán. Trong đó loạt FTA thế hệ mới đi vào thực thi những năm gần đây như CPTPP, EVFTA, UKVFTA,, RCEP...đang tạo đà rất lớn cho xuất khẩu hàng hóa.
Theo Bộ Công thương, sau hơn 3 năm thực hiện CPTPP và hơn 2 năm thực hiện EVFTA, các FTA này đã có những tác động rất tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là từ những thị trường mà Việt Nam chưa từng ký FTA tại châu Mỹ. Chẳng hạn, nhờ CPTPP, xuất khẩu hàng hóa sang Canada, Mexico và Peru đều có mức tăng trưởng từ 25-30%/năm.
Với EVFTA, đây là một trong số ít những hiệp định có tiêu chuẩn rất cao, với tỷ lệ tự do hóa thuế quan về cơ bản trên 90% trong vòng 7 năm thực hiện. Trong giai đoạn đầu thực thi, mặc dù bối cảnh quốc tế không hoàn toàn thuận lợi, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và các doanh nghiệp Việt Nam, song theo Bộ Công Thương, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng trên 14% hàng năm.
Nhờ EVFTA, các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, “cửa ngõ” của EU như Đức, Hà Lan, Pháp… mà còn tiếp cận tốt các thị trường nhỏ hơn như tại Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu.
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), EVFTA đã góp phần đáng kể thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đối tác.
Cụ thể, trong hai năm thực thi hiệp định này, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng sang thị trường EU (như sắt thép tăng 739%; máy ảnh, máy quay phim, linh kiện tăng 260%; máy móc và thiết bị tăng 82,3%...).
Một số mặt hàng mới cũng có tăng trưởng cao như nhóm gạo, sản phẩm mây tre, cói thảm (tăng trên 50%); các sản phẩm gốm, sứ (tăng trên 25%); nhóm rau quả, dây diện và dây cáp điện (tăng trên 15%)...
Đánh giá việc thực thi các FTA trong xuất khẩu, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, xuất siêu sang các thị trường có FTA năm 2022 lên tới hàng chục tỷ USD. Nếu không có những thị trường thuộc các FTA thế hệ mới, cán cân thương mại hàng hóa khó có thể xuất siêu, mà thậm chí sẽ nhập siêu.
Đơn cử, nhờ thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), năm 2022, xuất khẩu sang EU đạt 47,5 tỷ USD, tăng hơn 20%, xuất siêu sang khối thị trường này ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 36,8% so với năm trước. Cũng nhờ tận dụng Hiệp định Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã tạo điều kiện để xuất khẩu sang Anh năm 2022 tăng trên 45% so với năm 2021, xuất siêu hơn 5 tỷ USD.
Các FTA là trợ lực lớn cho xuất khẩu. Nhờ các tiêu chuẩn cao từ những nước nhập khẩu đã thôi thúc doanh nghiệp phải đầu tư sản xuất bài bản, chuyên nghiệp theo chuẩn từ các thị trường lớn.
Với khu vực thị trường Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. 10 tháng của năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường CPTPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ (ước xuất khẩu cả năm hơn 50 tỷ USD), nhập khẩu 43 tỷ USD, tăng 16,26% so với cùng kỳ. Việt Nam ghi nhận xuất siêu sau 10 tháng đạt 4,4 tỷ USD và dự kiến cả năm khoảng 5 tỷ USD từ khu vực thị trường này.
Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%
Kết quả từ việc thực thi 15 FTA trong đó có nhiều FTA thế hệ mới với các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao, sẽ tiếp tục là trợ lực cho hoạt động xuất khẩu trong năm 2023.
Sau khi về đích với 371,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2022, ngành Công thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm 2023, cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư năm thứ 8 liên tiếp.
Mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm tới được xác định sẽ gặp nhiều thách thức bởi từ quý 4/2022, thị trường tiêu dùng hàng hóa toàn cầu đã chậm lại thấy rõ, nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản...lạm phát tăng cao đã giảm sức mua, đã ảnh hưởng trực tiếp tới lượng đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong đó, sự sụt giảm bắt nguồn từ suy thoái kinh tế ở Mỹ, điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Mỹ đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta,
Do đó, yêu cầu đặt ra với các doanh nghiệp là phải nỗ lực đổi mới chính mình, chuẩn bị kế hoạch bài bản để tận dụng tối đa cơ hội thị trường và ưu thế lớn từ các FTA thế hệ mới.
Việc có FTA với trên 60 thị trường là điểm cộng quan trọng để doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu, tận dụng ưu đãi thuế quan.