1. Trưa nay rảnh rỗi, thời tiết cuối năm lại quá đẹp, tôi nhắn tin rủ bạn đi ăn. Món canh bánh đa nấu theo kiểu Hải Phòng là món chủ đạo của quán nằm rất khiêm tốn trong một chung cư cũ trên đường Võ Văn Tần, quận 3. Chung cư cũ tới mức khó có thể cũ hơn. Xuống cấp thấy thương. Những mảng tường bị ngấm nước loang lổ, rêu xanh rêu trắng bám đầy trần nhà. Ngồi ăn cũng có chút hồi hộp…
Nhưng mọi thực khách tới quán đều có vẻ không bận tâm, vì bà chủ nấu đồ ăn ngon, giá lại rẻ hơn nơi khác. Người ta bình tĩnh thưởng thức món ăn, để mặc sự ồn ã của xe cộ phía ngoài đường.
Xong bữa trưa, chúng tôi đi bộ trên phố, vỉa hè không thông thoáng, người đi bộ phải lách qua lách lại giữa các hàng ghế nhựa của các quán cà phê và đồ ăn. Đi qua chỗ này nghe mùi cà phê Robusta thơm nồng, đi qua chỗ khác nghe mùi nước lèo của xe hủ tiếu gõ. Nắng vàng giữa trưa trên đỉnh đầu, nhưng gió hanh khô lại mát rượi. Thiên nhiên ban tặng cho Sài Gòn và các tỉnh phía Nam sự ôn hòa và tĩnh tại. Không có cái rét ngọt cắt da cắt thịt. Không có những ngày mưa phùn phơi đồ cả tuần chưa thể khô. Những ngày cuối năm, người và xe trong thành phố chạy tấp nập và hối hả. Hương vị thị thành là đây chứ đâu. Rất - vô cùng - Sài Gòn.
Nhóm chúng tôi đi qua căn nhà cấp 4 có mặt tiền khiêm tốn, cây khế trồng phía trước nhà vươn ra ngoài cổng, khoe các chùm hoa tím li ti. Căn nhà yên tĩnh giữa phố xá đông đúc, dường như chỉ đứng đó để quan sát thế sự. Con phố quen thuộc, đi qua hàng trăm lần trong nhiều năm nay, nhưng tôi chưa bao giờ thấy cánh cổng mở ra, cũng chưa khi nào vô tình được diện kiến chủ nhân. Bà bán đậu hũ nước dừa người miền Trung ngồi kế đó cũng đã rất lâu rồi, nước thời gian bóng lên trên cả quang gánh mà bà cũng ý tứ không ngồi trước cửa ra vô. Có lần dừng lại mua hai hũ mang về, tôi thấy cả hoa khế rớt vào trong nồi nước đường đặc quẹo. Chưa khi nào gặp một ai đó từ căn nhà ấy bước ra. Căn nhà vì thế mà càng khác biệt.
Nhà ở trên phố nhưng có khi phố chưa chắc đã ở trong nhà!
2. Năm nay, tôi đã chứng kiến nhiều gia đình làm ăn thua lỗ, khó khăn. Dịch bệnh đã đi qua, nhưng dư âm của nó tác động lên nền kinh tế của cả thế giới khiến mọi điều đảo lộn.
Cô bạn tôi đang rao bán căn nhà ngay trung tâm Sài Gòn. Nhà trong hẻm xe hơi, diện tích cũng cả trăm mét vuông, nên tất nhiên giá không phải rẻ. Mới nửa năm trước, nữ chủ nhân không thể nghĩ rằng cuối cùng cũng phải tính đến bước đường bán nhà để giải quyết các khó khăn, nợ nần chồng chất.
Vài năm trước, căn nhà là sự tự hào của gia chủ. Ban đầu là người đi thuê để mở cửa hàng làm ăn, chỉ ít thời gian sau, người đi thuê ấy đã đủ tiền để có thể mua lại được căn nhà, với sự trợ giúp của ngân hàng. Ở lứa tuổi 40, sở hữu được tài sản ấy, không phải ai cũng có bản lĩnh và may mắn như thế. Nhưng chỉ sau cuộc càn quét của dịch bệnh, nữ doanh nhân đã bị thua trên nhiều khoản đầu tư. Càng thua thì lại càng cay. Cô dồn sức vay tiền ngân hàng để có thêm vốn xoay trở hơn nữa. Và cuối cùng, thì mất nhiều hơn nữa. Căn nhà ngay trung tâm thành phố, niềm tự hào của nữ chủ nhân đã phải rao bán khắp các trang rao vặt nhà đất. Vài chục tỷ đồng ở thời khó khăn tiền mặt chẳng phải dễ gì kiếm được người sở hữu. Tết này, nữ chủ nhân và các đồng sự của cô đã không có được những phút thưởng ngoạn ngày xuân thảnh thơi dông dài. Nỗi lo có lẽ phải kéo dài thêm vài năm nữa, chưa biết tới lúc nào thì chấm dứt.
Đi trên đường, những biển bán và cho thuê nhà được chủ nhân và những người môi giới dán điện thoại chồng chéo lên nhau, là các hình ảnh thường thấy ở Sài Gòn. Người có nhu cầu mua và thuê, thực lòng không thể biết được đâu là số điện thoại của chủ nhà thực sự, vì thấy số nào cũng ghi “chính chủ”. Những căn nhà có giá trị lớn, nhìn đã thấy mê, thấy mơ, nhưng cũng chỉ là ước ao của đa số người dân thành thị.
Đã rất lâu, sau cơn địa chấn hơn chục năm trước, thị trường nhà đất mới trải qua sự khủng hoảng như đang diễn ra. Người đã dư tiền, người từng sở hữu nhiều tiền, người sống “trên tiền”, ít hay nhiều đều bị cơn địa chấn lần này làm tổn thương. Dân đầu tư ở nhiều lĩnh vực đều cảm thấy lo lắng và nhiều suy tư. Các ông chủ, bà chủ mất ít thì thấy may mắn, đôi khi còn nghĩ tới việc mở tiệc ăn mừng; mất nhiều thì xót ruột, tiếc công sức và tiền bạc sau bao năm gầy dựng; còn trắng tay thì có nghĩa là… trắng đêm và bạc tóc.
Nhà phố luôn có những chuyện “ồn ào” vậy đó.
3. Có những lần đi công tác ở tỉnh, tôi nói chuyện với người em đi cùng, đang tập trung lái xe: “Chị em mình đi qua các căn nhà trên đường, nhìn thì thấy yên bình như vậy thôi, nhưng bên trong là bao nhiêu câu chuyện”. Người em nhìn đường phía trước, suy nghĩ mông lung. Hẳn là liên tưởng tới nhiều công việc khác.
Người em vì tình thân mà đưa khoản tiền lớn cho bạn mượn trong những lúc ngặt nghèo. Tất nhiên, lúc đi mượn thì có ai lại nói sẽ không trả bao giờ. Và tận tới lúc này, thì người mượn tiền cũng vẫn nói sẽ trả, tuy nhiên lúc nào trả thì chịu, không đưa ra được mốc thời gian nào. Đó là chưa kể tới việc, khi có tiền rồi, đôi khi người ta cũng vẫn giữ lại lo việc cá nhân, mà quên đi ân tình của người đã giúp mình khi hữu sự.
Nên em lo lái xe mà cũng lo cho cuộc sống của gia đình mình sắp tới. Con đường từ tỉnh về Sài Gòn vào lúc hoàng hôn, đặc biệt trên cao tốc Long Thành, đẹp mê hồn. Nắng chiều xiên nhẹ, chân trời phía trước rộng thênh thang, nhạc tràn trong xe phấn khích. Một cuộc sống vẫn luôn vặn mình tiến lên để không giậm chân tại chỗ. Hy vọng hay thất vọng, suy sụp hay lạc quan, chỉ là dựa vào tinh thần và cảm xúc của mỗi người. Không ai giống ai, nên mới tạo ra sự hoàn thiện của bức tranh muôn màu cuộc sống.
Người ta luôn tích trữ tiền bạc mỗi ngày, để có thể mua được món tài sản lớn trong cuộc đời mình. Nhà là một món tài sản lớn ấy, không thể thay thế dù thời cuộc biến chuyển thế nào, dù đó là Âu hay Á, dù đó là tuổi trẻ bồng bột hay trung niên bình tĩnh.
Vậy nên, ứng xử với việc sở hữu căn nhà ra sao, phụ thuộc hoàn toàn vào cái tâm của chủ nhà. Muốn đi hay ở, có hay mất, nhưng nhất định phải xây dựng trên sự tử tế và trung thực. Không có điều gì là mãi mãi, ngay kể cả số phận của mỗi người.
Nếu bạn có thời gian nào đi bộ trên hè phố, ngắm nghía những căn nhà trên phố vào những ngày cuối năm thì thong thả hơn một chút để thưởng thức hồn cốt của thành phố. Nhà vô tri, nhưng lại cựa quậy nhựa sống trong lòng người.
Thiên nhiên và đất trời luôn biết dung hòa với mọi thứ. Sau mùa Đông lạnh giá, xám xịt là mùa Xuân rực rỡ sắc màu của hoa cỏ. Uyển chuyển để đi qua được những tháng ngày rét mướt, thì sẽ có được mật ngọt của thời gian phía trước.
Nên, hãy cân bằng cảm xúc một cách yêu thương và lạc quan nhất, để cảm nhận được cuộc đời vẫn luôn rộn ràng trên phố.
Xem thêm: lmth.547313tsop-ohp-gnort-man-ahn/nv.naohkgnuhchnahnnit.www