Các chuyên gia kinh tế học của Mỹ tỏ ra lạc quan cho rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng và khủng hoảng trần nợ mà quốc gia này đang trải qua sẽ không biến thành những cuộc khủng hoảng toàn diện, nhưng suy thoái kinh tế sẽ xảy đến, dù thời điểm bắt đầu suy thoái có thể muộn hơn dự báo ban đầu.
Khoảng 59% trong số 42 chuyên gia kinh tế được Hiệp hội Quốc gia Các nhà kinh tế học kinh doanh (NABE) khảo sát trong tháng 5 này dự báo Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái trong 12 tháng tới. Đây là cuộc khảo sát Triển vọng NABE, được thực hiện hàng quý nhằm đưa ra dự báo kinh tế vĩ mô từ các chuyên gia kinh tế học trong hiệp hội.
Hãng tin CNN cho biết, tỷ lệ dự báo suy thoái nói trên không thay đổi so với kết quả các cuộc khảo sát vào tháng 2/2023 và tháng 12/2022, nhưng cho thấy thời điểm mà các chuyên gia kinh tế cho rằng suy thoái có thể bắt đầu đã lùi lại. Hồi tháng 2 năm nay, phần đông các chuyên gia kinh tế dự báo suy thoái có thể bắt đầu trong 6 tháng đầu năm nay. Giờ đây, mốc thời gian này bị đẩy xuống quý 3 hoặc có thể sẽ muộn hơn.
Dù vậy, cuộc khảo sát này cho thấy sự đồng thuận lớn hơn của các nhà kinh tế học trong các vấn đề lạm phát, đường đi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và khủng hoảng trần nợ.
Bà Dana Peterson, Chủ tịch phụ trách khảo sát của NABE, đồng thời là chuyên gia kinh tế trưởng của tổ chức nghiên cứu kinh tế Conference Board cho rằng: Hầu hết các nhà kinh tế học được khảo sát đều cho rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng đã được kiểm soát nhưng vẫn đang tiếp tục tiếp diễn. Chỉ 1/5 cho rằng cuộc khủng hoảng này sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Phần lớn giới chuyên gia kinh tế tin rằng việc Mỹ vỡ trần nợ sẽ không gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trừ phi thế bế tắc hiện nay kéo dài trong nhiều tuần. Hầu hết cũng tin rằng việc phi USD hoá cũng không phải là một mối đe doạ đối với Mỹ trong tương lai gần.
Khoảng 55% các chuyên gia được khảo sát tin là trần nợ sẽ được nâng, 42% tin trần nợ sẽ bị đình chỉ, và 3% dự báo Mỹ sẽ vỡ nợ.
Trước khi diễn ra cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 22/5 giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy để thảo luận về nâng trần nợ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen một lần nữa nhận định ngày 1/6 sẽ là ngày sớm nhất mà Mỹ có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Mỹ trong 1 năm tới, theo quan điểm của phần đông chuyên gia trong cuộc khảo sát của NABE,chính là chính sách tiền tệ bị thắt chặt quá mức. Chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed đã kéo dài từ tháng 3 năm ngoái, với 10 lần nâng lãi suất liên tiếp và tổng mức tăng là 5%, để chống lại lạm phát cao nhất hơn 4 thập kỷ qua.
Các chuyên gia kinh tế của NABE dự báo rằng, lạm phát ở Mỹ sẽ tiếp tục giảm, nhưng phần đông tin rằng phải đến năm 2025 hoặc muộn hơn thì thước đo lạm phát chính của Fed - là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi mới hạ về mức mục tiêu 2% như mục tiêu mà ngân hàng trung ương này đề ra.
Chuyên gia kinh tế học trong cuộc khảo sát cũng dự báo lãi suất của Fed sẽ giữ ở mức cao trong thời gian còn lại của năm 2023, gần một nửa số chuyên gia dự báo Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong quý I/2024. Động lực để Fed chuyển sang giảm lãi suất có thể là niềm tin rằng lạm phát giảm dần về mục tiêu, tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, hoặc một cuộc suy thoái sâu.
Nhiều quan chức Fed phát biểu gần đây vẫn thể hiện lập trường cứng rắn. Hôm 22/5, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari nhận định rằng, lãi suất có thể phải tăng trên 6% để lạm phát giảm về mức mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard cũng cho rằng lãi suất có thể cần phải tăng cao hơn. Trong khi đó, phát biểu vào tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định rằng lãi suất có thể không phải tăng thêm nhiều như dự kiến ban đầu, vì cuộc khủng hoảng ngân hàng đã khiến các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn.