Chiều 28-1 (mùng 7 Tết), thượng tá Vũ Thanh Giang - phó Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Ngãi - cho biết đơn vị đã lập điểm hỗ trợ trên quốc lộ 1 (đoạn qua xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ) với đầy đủ nhu yếu phẩm thiết yếu cho bà con vào Nam mưu sinh nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe.
"Chúng tôi đang khảo sát vị trí, lập thêm một "điểm tiếp sức" nữa, dự kiến ở xã Đức Lân, huyện Mộ Đức để bà con vào Nam mưu sinh nghỉ ngơi, kiểm tra xe cộ trước khi tiếp tục hành trình", thượng tá Giang nói.
Dòng người vào Nam mưu sinh đông
Điểm hỗ trợ ở xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ được lập từ ngày 25-1 (mùng 4 Tết), với lực lượng chính là cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Ngãi, công an thị xã Đức Phổ, đoàn viên thanh niên xã Phổ Cường…
Mỗi lần có xe máy ghé đến, những người ở điểm hỗ trợ mang sữa, nước, bánh ngọt… tiếp sức. Bà con nào mệt quá được mời vào ghế ngồi nghỉ ngơi.
Theo lực lượng chốt trực, số lượng người vào Nam và lên các tỉnh Tây Nguyên mỗi lúc một đông. Mùng 7 Tết, nhiều người từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An… chạy xe máy ghé vào điểm nghỉ ngơi.
Anh Trần Huy Bình (38 tuổi, ngụ huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) cho biết cả nhà ba người về quê đón Tết. Nay chạy xe máy vào lại TP.HCM làm việc cho đỡ tốn chi phí.
Thời tiết miền Trung những ngày này lạnh cóng, anh Bình phải lấy bao ni lông quấn vào chân vợ con cho đỡ lạnh. Còn tay anh Bình sau khi vượt hơn 300km từ Quảng Bình vào đến Quảng Ngãi đã nheo lại vì lạnh.
Cả gia đình được mời vào điểm tiếp sức nghỉ ngơi, sau một hồi giữ ấm, anh Bình tâm sự: "Nếu tỉnh nào cũng có những điểm như thế này thì bà con vào Nam mưu sinh sau Tết đỡ khổ".
Trước khi tiếp tục hành trình, các chiến sĩ gửi thêm bịch sữa và bánh ngọt cho gia đình nhỏ, cùng lời chúc bình an.
Còn ông Ngô Văn Hoàng (ngụ huyện Minh Hóa, Quảng Bình) ghé điểm hỗ trợ nghỉ ngơi, đón nhận được lời thăm hỏi ân tình và sẻ chia, ông nói: "Tỉnh nào cũng có điểm hỗ trợ của cảnh sát giao thông cho bà con vào Nam mưu sinh thì tốt quá".
Ông Hoàng đã gần 60 tuổi, đáng ra ông đi xe đò nhưng giá vé quá cao, hai vợ chồng quyết định chạy xe máy để giảm chi phí. Với ông, nếu mỗi tỉnh có một điểm như vậy thì hành trình mưu sinh của lao động nghèo như ông sẽ đỡ vất vả hơn.
"Tôi với bả vào Bình Dương buôn ve chai, mà vé xe vài triệu bạc mua không nổi. Những điểm trợ giúp như này vừa ấm áp vừa đỡ tốn chi phí. Cực cùng mới chạy xe máy vào Nam giữa trời lạnh thế này", ông Hoàng nói thêm.
Sự yêu quý và lời cảm ơn
Ngoài hỗ trợ thực phẩm thiết yếu, điểm hỗ trợ còn có số điện thoại công khai trên tấm biển lớn để người dân liên hệ khi cần giúp đỡ, sửa chữa xe máy hư hỏng dọc đường.
Điểm hỗ trợ ở xã Phổ Cường của cảnh sát giao thông Quảng Ngãi nhận được sự yêu quý và lời cảm ơn của bà con ngược vào Nam sau Tết. Điều ấy là niềm vui của những người dựng trại lập điểm tương thân tương ái này.
Thượng tá Vũ Thanh Giang cho biết lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ngãi, lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông quán triệt ngoài đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân đi lại, còn phải hỗ trợ bà con khó khăn trước, trong và sau Tết.
"Mình vất vả chút mà bà con khỏe cũng là niềm vui lớn. Phòng đang khảo sát vị trí làm thêm một điểm nữa. Điểm này phải đặt nơi khuất gió, có vị trí và sức chứa lớn để bà con ghé vào nghỉ ngơi lấy lại sức để tỉnh táo lái xe an toàn", thượng tá Giang nói.
Ba bà cháu hết tiền bị nhà xe bỏ lại giữa đường đã được cảnh sát giao thông Quảng Ngãi giúp đỡ để về lại Bà Rịa - Vũng Tàu.