Qua VnExpress, anh Tuấn muốn được giải đáp, việc sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) quá cũ nát có ảnh hưởng đến tính pháp lý, có bị cấm giao dịch?
Sau chia sẻ của anh, phần lớn độc giả nhận định, sổ đỏ cũ không bị cấm trong giao dịch và có thể xin làm mới được.
Giải đáp vấn đề trên, luật sư Nguyễn Đại Hải (Công ty luật TNHH Fanci) khẳng định, về nguyên tắc, sổ đỏ có cũ nát vẫn đảm bảo giá trị pháp lý. Bản chất sổ đỏ chỉ là một chứng thư chứng minh quyền sử dụng đất, tài sản trên đất của anh Tuấn và quyền này mất đi khi anh chuyển nhượng, cho tặng... Nếu sổ đỏ quá cũ nát, anh Tuấn có quyền làm thủ tục cấp đổi sổ mới.
Theo luật sư, việc người mua nhà và ngân hàng yêu cầu anh Tuấn phải thực hiện thủ tục đổi sổ trước khi sang tên cho người mua là không cần thiết. Bởi trong quá trình làm thủ tục sang tên cho người mua, bên mua có quyền làm thủ tục đổi sổ mới đứng tên người mua được và cuốn sổ cũ kia sẽ được lưu giữ cơ quan đăng ký biến động đất đai.
"Đây là phương án tối ưu cho bạn và người mua giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí và thời gian trong việc đăng ký biến động đất đai", luật sư Hải nêu quan điểm.
Theo Điều 76 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 24 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP), các trường hợp sau đây được cấp đổi sổ:
- Người sử dụng đất có nhu cầu đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc các loại Giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 10/12/2009 sang loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
- Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng;
- Do đo đạc xác định lại diện tích, kích thước thửa đất
Theo khoản 1 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 19/5/2014, anh Tuấn cần chuẩn bị hồ sơ cấp đổi sổ, gồm các giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
- Bản sao hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thay cho bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận sau khi dồn điền đổi thửa, đo đạc lập bản đồ địa chính mà Giấy chứng nhận đã cấp đang thế chấp tại tổ chức tín dụng.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ trên, anh Tuấn cần nộp lên Văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, nơi có đất cần cấp đổi sổ.
Nếu địa phương chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai, người dân có thể nộp hồ sơ tại các địa điểm sau:
- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh. (Đây sẽ là nơi tiếp nhận hồ sơ đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài)
- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện. (Đây sẽ là nơi tiếp nhận hồ sơ đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam)
- UBND cấp xã (chỉ áp dụng với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư).
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, văn phòng đăng ký đất đai sẽ thực hiện các công việc chuyên môn cần thiết và trao sổ mới.
Theo quy định, thời gian thực hiện thủ tục cấp đổi sẽ không quá 7 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Hải Thư
Xem thêm: lmth.0412654-tan-uc-auq-od-os-iod-nix-tahn-hnahn-hcac/ten.sserpxenv