1. Trong lịch sử Việt Nam và cả thế giới, Hồ Chí Minh là người duy nhất được UNESCO tôn vinh với danh hiệu kép: Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất. Sự hòa quyện giữa “chất anh hùng” và “chất văn hóa” đã làm nên nét độc đáo của Hồ Chí Minh: Đó là người anh hùng rất văn hóa và nhà văn hóa rất anh hùng.
Sự cộng hưởng giữa nền văn hiến lâu đời của dân tộc cùng tinh hoa văn hóa nhân loại thông qua bản lĩnh văn hóa Hồ Chí Minh đã dẫn đến sự xuất hiện của danh nhân văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Với tầm nhìn của bậc vĩ nhân và suy ngẫm của người “trong cuộc”, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa là ánh sáng soi đường cho Việt Nam không chỉ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mà trong cả tiến trình xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc hiện nay.
Từ tháng 8.1943, cùng với định nghĩa về văn hóa, Hồ Chí Minh đã nêu rõ định hướng phát triển của văn hóa Việt Nam: Văn hóa phải góp phần xây dựng tâm lý, luân lý, xã hội, chính trị, kinh tế, bởi văn hóa không thể đứng ngoài mà “phải ở trong kinh tế và chính trị”; văn hóa không chỉ là động lực mà còn là mục tiêu của cách mạng.
Với quan niệm “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, ngay sau Cách mạng Tháng 8, Người đã coi chống “giặc dốt” là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách không kém gì chống “giặc đói”, “giặc ngoại xâm”. Vào lúc trên 90% dân số mù chữ, Người vẫn khát khao dân tộc Việt Nam sẽ trở thành một dân tộc thông thái, đủ sức “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”. Người quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là để “biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”, đưa những người thất học thành chủ thể có năng lực thụ cảm và sáng tạo văn hóa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học viên Trường Nghệ thuật sân khấu T.Ư |
Tư liệu |
Lịch sử dân tộc Việt Nam khẳng định chân lý: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Vì thế, trong hoàn cảnh “thù trong, giặc ngoài”, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tổ chức Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất vào ngày 24.11.1946. Trong diễn văn khai mạc, Người nhấn mạnh: Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi; phải dùng văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện mục tiêu độc lập, tự cường, tự chủ.
Hiện thực hóa chủ trương đó, khi lãnh đạo cuộc kháng chiến không cân sức với thực dân Pháp, Hồ Chí Minh và Đảng đã đề ra khẩu hiệu “kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến”, tức là văn hóa phải phản ánh, góp phần tích cực vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc và phải làm cho công cuộc kháng chiến trở thành biểu tượng của các giá trị văn hóa như chính nghĩa, nhân văn, sáng tạo... Ngày 11.6.1948, Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” để phát huy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước - “sợi chỉ đỏ” của văn hóa Việt Nam.
Ngày 16.7.1948, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai được tổ chức và được coi là Hội nghị Thi đua ái quốc của giới trí thức, văn nghệ sĩ - những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Trong thư gửi hội nghị, Hồ Chí Minh đã căn dặn các nhà văn hóa cần đi sâu vào quần chúng, bám sát thực tiễn để có những tác phẩm xứng đáng với dân tộc anh hùng và đủ sức lưu truyền hậu thế. Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chính là thắng lợi của văn hóa Việt Nam. Đối phương thừa nhận, họ thua vì đã không hiểu văn hóa Việt Nam, không đánh giá hết sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc quật cường của nhân dân Việt Nam.
Sự nghiệp Đổi mới trong hơn 35 năm qua, suy cho cùng, cũng là sự nghiệp văn hóa trên nền tảng đổi mới tư duy về chủ nghĩa xã hội và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nhưng Đổi mới là dòng chảy liên tục, nếu dừng lại là mất đà, là lãng phí các tiền đề phát triển đã tạo dựng. Đại hội XIII của Đảng khẳng định quyết tâm đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, trong đó có tiềm lực văn hóa để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Mặt khác, sự phát triển chưa tương thích của văn hóa so với kinh tế, chưa phát huy đầy đủ vai trò của văn hóa với tư cách là động lực phát triển trong hơn 35 năm Đổi mới đã đặt ra yêu cầu phải coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa chiến lược phát triển văn hóa. Hơn nữa, trong thế giới hội nhập, nguy cơ về sự xâm lăng văn hóa là rất lớn, rất tinh vi. Để chống lại nguy cơ đó thì cách thức duy nhất là phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bởi văn hóa chính là “căn cước”, “hồn cốt” của từng dân tộc, là minh chứng cho sự hiện diện của dân tộc đó giữa nhân loại.
2. Để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về văn hóa và kỷ niệm 75 năm Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba đã được khai mạc vào ngày 24.11.2021 với thông điệp “chấn hưng văn hóa”.
Trong bối cảnh hiện nay, để “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” như di huấn vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn hệ thống chính trị cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa đối với chiến lược phát triển bền vững của đất nước. Văn hóa cần thực sự trở thành nền tảng tinh thần xã hội, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Cạnh đó, cần tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người Việt Nam với những chuẩn mực phù hợp trong thời đại mới để lấy đó làm căn cứ điều tiết suy nghĩ, hành vi của mỗi con người và nếp sống của toàn xã hội.
Thứ nữa là cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa; đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa chất lượng cao với sự am hiểu về văn hóa, có tác phong làm việc dân chủ, có khả năng thuyết phục các nhà hoạt động văn hóa tích cực đóng góp cho nền văn hóa nước nhà.
Cùng với đó, cần xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng để Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”, đủ sức lãnh đạo dân tộc bằng trí tuệ sáng suốt, tinh thần dân chủ, năng lực đối thoại, thuyết phục quần chúng và trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội.
Bên cạnh đó, cần khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đẩy mạnh việc quảng bá văn hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế. Đồng thời, xây dựng môi trường “văn hóa số” phù hợp với nền “kinh tế số”, “xã hội số” và “công dân số”, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện bằng được công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và xây dựng xã hội học tập vì trình độ học vấn chính là tiền đề để xây dựng nhân cách văn hóa, qua đó định hình một xã hội có văn hóa.
Điều cuối cùng cần lưu ý là phải tạo dựng môi trường dân chủ trong sáng tạo, hoạt động văn hóa đi đôi với tăng cường trách nhiệm công dân của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, thúc đẩy họ thực hiện thiên chức “phò chính, trừ tà” và giáo dục nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ.
***
Trước sự phát triển như vũ bão của nhân loại, Việt Nam chỉ có con đường duy nhất là phát triển nhưng đó phải là sự phát triển bền vững trên nền tảng phát huy sức mạnh của văn hóa và con người Việt Nam. Sự chuyển hóa thành công áp lực chấn hưng văn hóa thành động lực phát triển văn hóa sẽ giúp Việt Nam - một dân tộc “đã có một nền văn hóa lâu đời, nhưng lại có đủ khả năng để trẻ lại” và vững tiến cùng thời đại như mong muốn mãnh liệt của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.