Việc xây dựng Chính phủ điện tử là nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ tập trung chỉ đạo, triển khai hoàn thành trong thời gian sớm nhất, hướng tới mục tiêu đổi mới phương thức làm việc ở các cơ quan quản lý nhà nước.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 714/QĐ-TTg, trong đó nêu rõ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an làm cơ quan chủ quản là một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Đại tá Trần Hồng Phú – Phó Cục trưởng Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
PV: Theo ông, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đóng vai trò nền tảng quan trọng như thế nào trong việc phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam?
Đại tá Trần Hồng Phú: Việc xây dựng Chính phủ điện tử là nhiệm vụ hết sức trọng tâm được Chính phủ tập trung chỉ đạo, triển khai hoàn thành trong thời gian sớm nhất, hướng tới mục tiêu đổi mới phương thức làm việc ở các cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao khả năng phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam có 3 nhiệm vụ chính: Đó là hoàn thiện thể chế chính sách phục vụ cho việc xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam như hoàn thiện các quy định về danh mục thông tin, các quy định về kết nối, chia sẻ đảm bảo an toàn thông tin cũng như trách nhiệm, quyền và trách nhiệm của các cơ quan tổ chức và nghĩa vụ của công dân.
Xây dựng nền tảng phát triển Chính phủ điện tử và hệ thống thông tin nhằm đổi mới phương thức làm việc của công dân và doanh nghiệp. Đảm bảo nguồn lực để triển khai Chính phủ điện tử và các cơ chế để đảm bảo thực thi các chính sách này.
Trong đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xác định là 1 trong 6 cơ sở dữ liệu được Chính phủ ưu tiên triển khai. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xác định là dùng chung, được Chính phủ giao cho Bộ Công an quản lý. Thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì nhằm thu thập, đầy đủ, cập nhật, chính xác kịp thời toàn bộ thông tin cơ bản của công dân Việt Nam trên hệ thống.
Ngoài ra, thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm chuẩn hóa thông tin và sẽ cung cấp cho một người dân một mã số định danh cá nhân duy nhất sử dụng từ khi sinh ra đến lúc mất đi. Đây chính là chìa khóa kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng chung và cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Sau này, thông qua số định danh cá nhân thì các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các ban ngành địa phương kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác toàn bộ thông tin cơ bản phục vụ công tác quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Từ đó, khắc phục tình trạng một người dân có nhiều mã số định danh cá nhân; khắc phục giữa các ngành các cơ quan tránh lãnh phí và tạo sự đồng bộ thống nhất trong cơ sở dữ liệu quốc gia.
PV: Từ tháng 5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 714/QĐ-TTg, trong đó nêu rõ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an làm cơ quan chủ quản là một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, thời gian qua, tiến độ triển khai chưa được như kỳ vọng. Xin ông cho biết đâu là những khó khăn, vướng mắc đối với việc triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư?
Đại tá Trần Hồng Phú: Theo quy định của Luật Căn cước công dân cũng như Đề án 896 của Chính phủ, đặc biệt Quyết định 714 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử có quy định đến ngày 01/01/2020 phải hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các ban ngành địa phương tổ chức triển khai các nhiệm vụ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được hoàn thành và đưa vào khai thác đúng tiến độ theo quy định.
Nguyên nhân do đây là dự án công nghệ thông tin lớn, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ nhiều ngành, lĩnh vực, phạm vi triển khai dự án rộng lớn từ trung ương tới 63 tỉnh, thành phố.
Thời gian triển khai ngắn chỉ trong vòng 2 năm, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư và Bộ Công an phê duyệt đầu tư nhưng chưa được bố trí vốn nhưng đến nay Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ và phối hợp với các Bộ, Ngành thì đến nay đang được bố trí vốn để triển khai.
PV: Ngày 24/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã làm việc trực tiếp với Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc thống nhất giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Xin cho biết cụ thể một số giải pháp sẽ được triển khai trong thời gian tới?
Đại tá Trần Hồng Phú: Để tổ chức triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả đúng Luật Căn cước công dân và quy định của Thủ tướng phê duyệt thì trước hết bố trí kịp thời đủ nguồn vốn để tổ chức triển khai các hạng mục quan trọng của dự án như hạ tầng kỹ thuật, đường truyền, phần mềm, đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ vận hành.
Ngoài ra, phải tiếp tục phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan để hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời cập nhật thông tin, trên cơ sở Bộ Công an đã tổ chức thu thập toàn bộ thông tin công dân trên toàn quốc, tới đây sẽ nhập và chuẩn hóa dữ liệu, cấp số định danh cá nhân cho công dân để sớm đưa vào khai thác sử dụng, để đảm bảo đúng tiến độ thu thập hệ thống thông tin.
PV: Tính đến thời điểm này, đâu là những kết quả đáng chú ý nhất trong việc triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư?
Đại tá Trần Hồng Phú: Những kết quả nổi bật trong việc tổ chức triển khai, thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thể đánh giá trên nhiều phương diện. Đó là hoàn thiện thể chế chính sách, đơn vị cũng đã tham mưu với Chính phủ và các ban ngành, quy định về danh mục thông tin, các chuẩn kỹ thuật kết nối, các chuẩn dữ liệu để phục vụ thu thập thông tin dân cư, phục vụ cho các ban ngành địa phương.
Ngoài ra, cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ để bổ sung dự án vào danh mục đầu tư công không hạn giai đoạn 2016 – 2020, trên cơ sở đó để Chính phủ bố trí vốn khoảng 3.000 tỷ đồng để triển khai dự án.
Đơn vị đã thu thập được toàn bộ thông tin trên 96 triệu công dân Việt Nam, hiện nay đang chuẩn bị tổ chức nhập dữ liệu và sắp tới sẽ chuẩn hóa. Đơn vị chủ động chuẩn bị hạ tầng, kỹ thuật đường truyền, nhân lực, công nghệ thông tin và bố trí cán bộ để thu thập thông tin theo hình thức tinh gọn bộ máy, đặc biệt theo mô hình bố trí các cán bộ công an chính quy xuống cấp cơ sở để đảm bảo thông tin dân cư đầy đủ, chính xác.
PV: Vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư đã chỉ đạo rằng Bộ Công an tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2020. Liệu mục tiêu này được hiện thực hóa sớm hơn dự kiến hay không?
Đại tá Trần Hồng Phú: Theo quy định của Luật Căn cước công dân và Đề án 896 về việc đơn giản hóa các Cơ sở dữ liệu và các thủ tục liên quan đến người dân thì có quy định đến năm 2020 là hoàn thành và đưa vào khai thác thông tin.
Hiện nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chỉ đạo tập trung của Bộ Công an, sự phối hợp của các ban ngành địa phương, sự ủng hộ của toàn bộ người dân và Chính phủ bố trí đủ vốn thì sẽ đảm bảo đúng tiến độ.