Từ 1/1 năm nay, quy định thực thi EPR về việc thực hiện trách nhiệm tái chế của các doanh nghiệp đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, các nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm như pin, ắc quy, dầu nhớt, săm lốp và bao bì phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của mình sau khi người tiêu dùng thải bỏ theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc.
Để thực hiện trách nhiệm tái chế, các doanh nghiệp có thể lựa chọn theo 2 phương án: một là tự tổ chức tái chế, hai là đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam.
Thực hiện các dự án thu gom tái chế bao bì nhằm quảng bá và giáo dục cho người tiêu dùng về việc xử lý phân loại bao bì sau khi sử dụng, tham gia vào liên minh tái chế bao bì PRO Việt Nam để thực hiện kê khai minh bạch khối lượng bao bì cần tái chế, đây là những hoạt động đã được doanh nghiệp triển khai nhiều năm qua để đón đầu quy định thực thi EPR.
Từ 1/1/2024, quy định thực thi EPR về việc thực hiện trách nhiệm tái chế của các doanh nghiệp đã chính thức có hiệu lực. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Trong tương lai, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thu gom, xử lý bao bì, thúc đẩy các sáng kiến giải pháp vật liệu thân thiện với môi trường, tiếp tục con đường kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, vừa thực hiện EPR, vừa đồng hành cùng Chính phủ đạt mục tiêu Net Zero vào 2050. Chúng tôi cũng tiến tới việc chuyển đổi hoàn toàn bao bì TH sang các loại bao bì thân thiện với môi trường, có thể tái chế được", ông Arghya Mandal, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sữa TH, cho biết.
"Ngoài làm việc với các nhà tái chế lớn như Duy Tân, Vikohasan… để đảm bảo lượng tái chế theo quy định, chúng tôi cố gắng truyền thông, truyền tải những thông điệp làm sao để hỗ trợ cho người tiêu dùng có thể bắt đầu có nhận thức thu gom và phân loại rác tại nguồn để chúng tôi có thể thu gom tốt hơn trong hành trình về lâu dài", bà Bùi Đặng Duyên Mai, Giám đốc Quan hệ đối ngoại và Phát triển bền vững, Coca-Cola Việt Nam và Campuchia, cho hay.
Đại diện PRO Việt Nam, một tổ chức có hơn 20 thành viên là các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ hàng tiêu dùng lớn cho biết, dù đã là quy định bắt buộc, tuy nhiên vẫn còn một lượng lớn các doanh nghiệp chưa biết nhiều về trách nhiệm tái chế của mình.
"Một số doanh nghiệp muốn tham gia vào là thành viên của liên minh và khi liên lạc với chúng tôi, với tâm thế muốn góp một phần nào đó đóng góp của họ cho Việt Nam xanh, sạch, đẹp chứ không hề biết gì về EPR, mặc dù họ hoàn toàn là các doanh nghiệp có nghĩa vụ EPR theo đánh giá của chúng tôi", bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc Vận hành, Công ty cổ phần Tái chế Bao bì PRO Việt Nam, thông tin.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên của Đông Nam Á thực hiện chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và thực thi EPR bằng những quy định pháp lý rõ ràng, cụ thể chứ không phải nằm ở góc độ định hướng, chủ trương. Năm nay, Bộ cũng sẽ tập trung tăng cường truyền thông mạnh mẽ hơn đến các doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam đang có một nền tảng tốt, toàn diện, cung cấp một lộ trình rõ ràng cho những năm thực thi EPR sắp tới. Tuy nhiên, các quy định này cần được giám sát và đánh giá liên tục để có thể điều chỉnh nhằm tăng cơ hội thành công cho việc thực thi quy định EPR.
VTV.vn- Bộ Tài nguyên - Môi trường vừa công bố danh sách các tổ chức được ủy quyền tổ chức thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì, đáp ứng yêu cầu theo NĐ số 08 năm 2022 của Chính phủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.34773026120104202-rpe-ehc-iat-meihn-hcart-neih-cuht-gnas-nas-peihgn-hnaod-ueihn/et-hnik/nv.vtv