Ăn càng nhiều rau quả nguy cơ mắc ung thư càng thấp
Bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Bệnh viện K, cho biết tác dụng cũng như hiệu quả của việc ăn nhiều rau quả làm giảm nguy cơ mắc ung thư là khá rõ ràng. Các thực phẩm này rất giàu vitamin, khoáng chất, các hợp chất sinh hóa cùng những thành phần chất xơ có thể giúp làm giảm nguy cơ ung thư.
Hơn nữa, ăn đủ trái cây, rau xanh có nghĩa là chúng ta ăn ít các thực phẩm giàu chất béo và giàu calo. Trái cây và rau xanh là những hợp chất hóa học phức tạp và có chứa nhiều loại chất sinh hóa có thể góp phần giảm nguy cơ ung thư.
Nhiều nghiên cứu các chế độ ăn kiêng được bổ sung cải bắp đã chỉ ra rằng các chế độ ăn kiêng giàu cải bắp làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú ở loài gặm nhấm. Tuy nhiên, nếu chế độ ăn kiêng này lại kèm với việc ăn nhiều chất béo thì hiệu quả bảo vệ của việc bổ sung cải bắp bị triệt tiêu.
Các nghiên cứu cho thấy với những ung thư khác thường gặp như ung thư đại tràng, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến... ăn đủ hoa quả và rau xanh sẽ giảm nguy cơ bị mắc ung thư hơn những người sử dụng ít.
Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa đông y, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, phân tích: các loại rau quả có khả năng phòng ngừa ung thư là vì chúng có chứa những chất chống oxy hóa.
Để phòng giữ sự nguyên vẹn của ADN tế bào, giá đỡ của hệ mật mã di truyền, cơ thể phải phòng vệ bằng cách chống lại sự hình thành các gốc tự do thông qua việc huy động các chất kháng oxy có nhiều trong thành phần như vitamin C và E, periforola, beta caroten, carotenoid...
Vitamin C có nhiều trong cam, chanh, bưởi, quýt và các loại rau tươi khác trong bữa ăn hằng ngày có tác dụng phòng ngừa ung thư khoang miệng, ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư kết tràng và ung thư phổi thông qua việc trung hòa các gốc tự do.
Vitamin E, chủ yếu dưới dạng alpha và gamma tocopherol có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành các gốc tự do, gây hủy acid béo chưa bão hòa ở màng tế bào, chất này còn có vai trò trong hệ thống miễn dịch, đặc biệt là chức năng của tế bào lympho T.
Vitamin E có trong các loại hạt có dầu như lạc, vừng, đậu tương, giá sống, rau cỏ màu lục đậm. Beta caroten có trong các loại rau quả màu vàng, cam, đỏ, lục đậm, có tác dụng bảo vệ tế bào niêm mạc, ngăn ngừa ung thư phổi và ung thư dạ dày.
Nhiều loại rau quả còn chứa các khoáng chất có tác dụng ngăn ngừa ung thư như selen (selenium) có nhiều trong tỏi, nấm, măng tây và men bia; kẽm (Zn) có nhiều trong tỏi, đậu hà lan.
Các enzyme như antiprotease có khả năng ngăn ngừa sự biến đổi của một số hormone có thể gây ung thư, có nhiều trong đậu xanh, đậu trắng...
Các phytohormone có nhiều trong đậu nành, cà chua, xà lách... có công dụng ngăn ngừa ung thư vú và ung thư tử cung; chất xơ là chất không được ruột non hấp thu, nếu sử dụng nhiều rau quả giàu chất xơ sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư kết tràng...
Đặc biệt, với thành phần dinh dưỡng phong phú và có chứa nhiều chất mà hiện nay còn chưa biết hết, các loại rau quả còn có tác dụng gián tiếp phòng ngừa ung thư thông qua khả năng nâng cao năng lực miễn dịch, kể cả miễn dịch tế bào và miễn dịch dịch thể, góp phần cải thiện đáng kể sức đề kháng của cơ thể.
"Bởi vậy, tới thập niên 1980, các nhà khoa học đã đổi hướng nghiên cứu, không tìm kiếm các thực phẩm gây ung thư mà tìm kiếm những thực phẩm có khả năng bảo vệ cơ thể, phòng ngừa tích cực ung thư.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã đi đến kết luận: "Chế độ ăn càng nhiều rau quả thì nguy cơ mắc ung thư càng ít". Các bằng chứng khoa học cho thấy chế độ ăn đủ rau quả có thể giảm tới 20% nguy cơ bị ung thư" - bác sĩ Toàn nhấn mạnh.
Chọn đúng loại rau quả
Theo bác sĩ Toàn, trong khá nhiều loại rau quả có chứa những hoạt chất có tác dụng trực tiếp tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư. Vì vậy, để ức chế tế bào nên chọn loại rau củ phù hợp.
Ví như, các hợp chất alkyl có ở hành và tỏi có khả năng ức chế sinh các khối u in vitro và làm giảm tỉ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày. Chất hữu cơ isothiocyanat có nhiều ở các loại rau thuộc họ bắp cải có tác dụng ức chế hoạt tính gây ung thư.
Các flavonoid bao gồm flavon, navonol và isoflavon là nhóm chất chống oxy hóa hữu cơ nguồn gốc thực vật có tác dụng chống ung thư. Flavon ở quả chanh có tác dụng ức chế sự phát triển các tế bào ác tính trong môi trường nuôi cấy. Querxetin ở quả táo là loại flavon được nghiên cứu nhiều, có tính chất ức chế sự phát triển của các tế bào ác tính.
Lá trà có các polyphenol bao gồm catechin và flavonol, quinol được tạo thành khi trà bị oxy hóa có tác dụng ức chế sự hình thành nitrosamin invitro.
Đậu tương có nhiều isoflavon có tác dụng ức chế sự phát triển khối u vú. Hai chất oestrogen thực vật trong đậu tương là daidzein và genistein có tác dụng ngăn ngừa ung thư vú ở phụ nữ, ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới và ung thư dạ dày.
Trong súp lơ có chứa chất indol glycosinolat giúp dự phòng ung thư vú, ung thư ruột kết và ung thư dạ dày. Chất glucosinolate có trong loại rau này có thể phá hủy các tế bào ung thư, giúp cho cơ thể phòng ngừa hữu hiệu với ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư buồng trứng.
Đu đủ là một trong những loại quả rất giàu chất beta-crypoxanthin và lycopene có thể ngăn ngừa ung thư dạ dày và ung thư tuyến tiền liệt.
Trong cà chua có chứa chất lycopene, một chất chống oxy hóa rất quan trọng giúp tiêu diệt các tế bào có nguồn gốc ung thư. Quả gấc có hàm lượng lycopene cao hơn cà chua 12 lần, bởi vậy khả năng phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt là rất lớn.
Một số loại rau quả vỏ đỏ như táo, ớt, cà chua... tập trung nhiều kaempferol và quercetin, hai chất có khả năng khống chế sự tạo thành mạch máu nuôi dưỡng khối u ung thư...
Nhiều quốc gia, nhất là Trung Quốc, tăng nhập, giúp xuất khẩu rau quả có kim ngạch cao kỷ lục sau 11 tháng của năm 2023.