Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa có báo cáo tình hình doanh nghiệp 2023 và kiến nghị năm 2024. Đáng chú ý, các doanh nghiệp kiến nghị UBND TP.HCM cần sớm có chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà.
Doanh nghiệp muốn lắp điện mặt trời, tận dụng mái nhà
Dẫn nội dung nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, HUBA cho rằng TP được quyết định việc dùng các mái nhà đảm bảo điều kiện kỹ thuật của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, trụ sở các cơ quan, đơn vị được xác định tài sản công để lắp điện mặt trời tự sản, tự tiêu.
UBND TP tổ chức thực hiện việc lắp đặt, quản lý hệ thống điện mặt trời đảm bảo yếu tố phù hợp về mỹ quan, kiến trúc và các quy định của pháp luật về môi trường.
Bên cạnh đó, HUBA cho rằng Bộ Công Thương cũng đã đưa ra phương án cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà, trong đó có điện mặt trời nhà xưởng, khu công nghiệp, khu chế xuất, điện mặt trời không liên kết lưới điện quốc gia.
Do đó, HUBA kiến nghị TP.HCM cần có cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà của các nhà máy, xí nghiệp, dự án… để tự dùng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác nhưng được nối lưới với hệ thống điện quốc gia.
Điều này nhằm giúp TP tăng lượng điện cung ứng, doanh nghiệp có thêm nguồn thu nhập, tận dụng cơ sở vật chất hiện có.
Lắp điện mặt trời để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đào Xuân Đức - chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp TP.HCM (HBA) - cho hay doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM cũng sốt ruột, kỳ vọng sớm có cơ chế để doanh nghiệp được lắp điện mặt trời trên mái nhà xưởng.
Theo ông Đức, việc lắp điện mặt trời tự dùng trên mái nhà xưởng vừa giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn xanh khi bán hàng hóa.
Ông Phạm Đăng An - phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group - cho hay việc sớm có chính sách, cơ chế để có hành lang pháp lý phát triển điện mặt trời mái nhà là rất cần thiết.
Hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất đang rất cần điện mặt trời mái nhà để đáp ứng các mục tiêu về giảm phát thải, thực hành phát triển bền vững hay đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường xanh (LEED, Lotus...), các yêu cầu về tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo từ chuỗi cung ứng toàn cầu...
Hiện nay, cơ chế để lắp điện mặt trời mái nhà vẫn đang được Bộ Công Thương xây dựng, nhiều công trình điện mặt trời lắp đặt sau 2020 đến nay vẫn chưa có phương án xử lý.
Tiềm năng điện mặt trời mái nhà công sở ở TP.HCM rất lớn
Nghị quyết 98 cho phép trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công... được lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tự dùng, UBND TP tổ chức việc lắp đặt này để đảm bảo cảnh quan.
Theo tính toán, tiềm năng có thể lắp đặt các hệ thống điện mặt trời mái nhà tại TP.HCM đạt khoảng 5.081MWp, được xác định cho bốn nhóm - gồm cơ quan hành chính chiếm 3,27%, sản xuất chiếm 31,28%, thương mại dịch vụ chiếm 3,1% và hộ gia đình chiếm 62,34%. Theo tính toán, công suất điện mặt trời có thể lắp đặt trên mái nhà các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công tại TP khoảng 160MWp.
Khoảng 1.030 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được lắp đặt trên cả nước sau 2020, song số phận của các dự án này vẫn chưa được định đoạt khi việc giải quyết mới chỉ dừng lại ở đề xuất.