Giao thông là được ví như mạch máu trong cơ thể của một nền kinh tế. Nếu mạch máu này còn nghẽn ở đâu thì khó có thể phát huy được sức mạnh của nền kinh tế. Cũng như vấn đề lâu nay của khu vực đồng Bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nút thắt của hạ tầng giao thông.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 20 năm trước, ĐBSCL đóng góp khoảng 16% GDP của cả nước, đến nay tỷ trọng này chỉ còn 12%. Nguyên nhân một phần lớn trong đó xuất phát là điểm nghẽn liên kết hạ tầng giao thông.
Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài gần 1.200 km, quy mô 4 - 6 làn xe. Trong đó có 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến trục ngang tạo thành một mạng lưới kết nối thông suốt giữa các tỉnh thành.
Việc 2 trong 4 dự án giao thông trọng điểm cả nước gồm dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và dự án cầu Mỹ Thuận 2 được khánh thành cuối tháng 12 vừa qua, thì nút thắt của hạ tầng giao thông của ĐBSCL đã phần nào được tháo gỡ.
Với hai dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ dài 123km giúp thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ giờ chỉ còn hơn 2 tiếng đồng hồ thay vì 3 tiếng rưỡi như trước đây. Mà quan trọng hơn là hoàn thiện hạ tầng liên kết giữa TP Hồ Chí Minh với Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL.
Như Công ty TNHH Phước Thành IV, Vĩnh Long, mỗi ngày doanh nghiệp này có 7-8 xe container chở gạo xuất khẩu. Chủ yếu các phương tiện vận chuyển đường bộ lên các cảng ở TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ. Hiện nay việc này khá thuận lợi khi cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ thông suốt.
"Với các tuyến cao tốc, chúng tôi có thể giảm từ 2-10% chi phí vận chuyển", ông Nguyễn Văn Thành, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV, Vĩnh Long cho biết.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá việc các tuyến cao tốc, đặc biệt ở khu vực phía Nam và ĐBSCL được khánh thành trong những ngày cuối năm 2023 đã thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc chọn vấn đề tạo ra cú hích cho nền kinh tế. Cũng như thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc huy động nội lực để phát triển kinh tế - xã hội.
"Những dự án giao thông mới được hoàn thành là điều kiện cần cho các địa phương có các tuyến đường cao tốc đi qua, tạo ra sức bất kinh tế, đặc biệt là ĐBCSL trước nay mạng lưới đường bộ và cao tốc rất yếu. Vấn đề đặt ra với các địa phương là chủ động có hệ thống giao thông kết nối với các tuyến cao tốc. Phải quy hoạch kinh tế địa phương, kết hợp với kinh tế vùng để tạo ra nguồn hàng hoá để có sức cạnh tranh", ông Kiên nhận định.
Giao thông đi trước mở đường, kích hoạt "huyết mạch" nền kinh tế (Ảnh minh hoạ)
ĐBSCL là vùng trọng điểm kinh tế của cả nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đồng bằng sông Cửu Long đóng góp cho cả nước khoảng 54% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây, đóng góp 40% giá trị sản xuất nông nghiệp.
Có thể nói giao thông là được ví như mạch máu trong cơ thể của một nền kinh tế… bất cứ đâu trong cơ thể mạch máu luôn được lưu thông, luân chuyển thuận lợi sẽ tạo ra một cơ thể khoẻ mạnh. Hạ tầng giao thông xuyên suốt từ Bắc và Nam đã và đang được hoàn thiện với quyết tâm, nỗ lực rất lớn, khơi thông nguồn lực của các địa phương đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.55245616060104202-et-hnik-nen-hcam-teyuh-taoh-hcik-gnoud-om-court-id-gnoht-oaig/et-hnik/nv.vtv