Ngày 6.1, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Năm nay, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 7,5 - 8%.
TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, nhận định mục tiêu này là thách thức rất lớn bởi TP.HCM sẽ còn gặp cả khó khăn lẫn thuận lợi, nhưng khó khăn nhiều hơn, kinh tế thế giới tăng trưởng thấp hơn. Chuyên gia này cho rằng TP.HCM cần tập trung giải ngân đầu tư công, bơm vốn vào thị trường ngay từ đầu năm, tập trung tháo gỡ các dự án bất động sản đang tắc nghẽn, gỡ vướng các dự án đầu tư công đang vướng pháp lý.
CHUẨN BỊ TÂM THẾ HÀNH ĐỘNG NGAY ĐẦU NĂM
Năm 2024, TP.HCM cần giải ngân vốn đầu tư công hơn 79.200 tỉ đồng. Để giải ngân trên 95%, Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai đề nghị các chủ đầu tư, địa phương giám sát định kỳ, đánh giá tiến độ theo từng tuần, tháng; đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật. Bà Mai cũng cho biết Sở KH-ĐT sẽ nỗ lực rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết hồ sơ trong toàn bộ quy trình thủ tục đầu tư từ lúc bắt đầu đến kết thúc dự án, đồng thời linh hoạt điều chỉnh vốn cho các dự án giải ngân tốt, dự án có tác động lan tỏa.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu ngay từ đầu năm phải triển khai ngay kế hoạch thực hiện với các giải pháp đột phá. Cụ thể, UBND TP.HCM sẽ hoàn thành việc giao nhiệm vụ cho các sở ngành, quận, huyện trước ngày 15.1, trên cơ sở đó các đơn vị, địa phương giao việc đến người thực hiện trong tháng 1.2024. Đồng thời, triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa, kích cầu du lịch, chi tiêu công cũng như thúc đẩy đầu tư công, đầu tư nước ngoài, đầu tư xã hội.
Về các công việc phải hoàn thành trong quý 1/2024, ông Mãi cho biết TP.HCM sẽ phối hợp các bộ ngành trình Chính phủ ban hành nghị định triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, trình hồ sơ quy hoạch chung và quy hoạch TP.HCM, đề án trung tâm tài chính quốc tế, đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị… Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sắp xếp, tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng tốc xây dựng chính quyền số
Để thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2024 về chuyển đổi số, Sở TT-TT TP.HCM sẽ tham mưu xây dựng hạ tầng số rộng và mạnh bằng việc tận dụng chủ trương thương mại hóa mạng 5G trên toàn quốc và xây dựng hạ tầng dữ liệu để quản trị thành phố dựa trên dữ liệu.
Về chính quyền số, TP.HCM chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến như rút ngắn thời gian xử lý, nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn... Năm 2024 cũng sẽ ra mắt ứng dụng Công dân Thành phố thống nhất trên di động để từng bước hướng đến việc người dân giao tiếp với chính quyền thành phố trên môi trường số chỉ qua ứng dụng duy nhất. Sắp tới, TP.HCM sẽ công bố thành lập Trung tâm chuyển đổi số nhằm tận dụng các nguồn lực về công nghệ thông tin, thực thi những nhiệm vụ triển khai quan trọng và để hỗ trợ cho các sở, ngành, địa phương đang khó khăn về nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM
SẼ ĐIỀU CHỈNH NHÂN SỰ
Về hoạt động công vụ, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi khẳng định sẽ tăng cường kỷ cương công vụ, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả trong công tác phối hợp, tăng phân cấp, ủy quyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ. Trong tháng 1, TP.HCM sẽ họp ban chỉ đạo cải cách hành chính, đánh giá các chỉ số cạnh tranh và đề xuất điều chỉnh một số nhân sự cho phù hợp yêu cầu của năm tăng tốc. Các tổ công tác tháo gỡ khó khăn phải hệ thống lại các vụ việc, dự án còn tồn đọng để lên danh mục cụ thể, có kế hoạch cụ thể và tập trung giải quyết, có kết quả ngay trong quý 1/2024.
Trao đổi tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá năm 2024, TP.HCM vẫn phải đi trong cơn gió ngược và phải lội ngược dòng. Ông Nên đồng tình với dự báo của chuyên gia rằng TP.HCM có nhiều cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó khó khăn thì nhiều hơn và nhìn thấy rất rõ, còn cơ hội thì phải nhìn kỹ, phải tìm mới thấy. Dù vậy, thuận lợi của TP.HCM là đã quen thích ứng và có kinh nghiệm ứng phó.
Trong năm nay, TP.HCM cũng phải giải quyết dần những tồn tại, hạn chế, yếu kém và những vụ việc để lập lại một trật tự mới lành mạnh hơn, bền vững hơn. Điển hình như vụ Vạn Thịnh Phát, khi xảy ra thì TP.HCM là nơi đầu tiên và chịu nhiều tác động hơn nơi khác. "Có người nói với tôi rằng đã một thời gian dài chúng ta đi trên đoạn đường tạm bợ, bây giờ sụp đổ thì chúng ta xây lại và người ta kỳ vọng rằng xây lại sẽ chắc chắn hơn", ông Nên chia sẻ.
Bởi lẽ, T.Ư đã đưa ra nhiều chính sách, giải pháp khá hợp lý nên người dân và doanh nghiệp hưởng ứng và đón nhận, một số thị trường bắt đầu ấm lại, nhất là thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, TP.HCM còn có Nghị quyết 98 của Quốc hội (thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM) đang đi vào cuộc sống.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao, Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu theo sát, phản ứng nhanh với các chủ trương, chính sách của T.Ư, bình tĩnh xử lý thông tin một cách cân bằng, chừng mực và hài hòa. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Hiện thị trường ẩm thực, mua bán lẻ có dấu hiệu trầm lắng, bị những thị trường khác như buôn bán trực tuyến, livestream cạnh tranh. Bối cảnh đó đặt ra tư duy đổi mới, không chỉ trông chờ vào những cách làm truyền thống.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ban hành nhiều chủ trương để người dân, doanh nghiệp giám sát, kể cả chi thù lao mua thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đến nay, TP.HCM đã nhận được thông tin cơ quan hành chính đùn đẩy, né tránh và đang xác minh làm rõ, xử lý tùy theo mức độ. Việc này nhằm kích hoạt hệ thống hoạt động tích cực hơn, nỗ lực hơn chứ không phải đi tìm các tiêu cực, nhưng nếu có tiêu cực sẽ xử lý nghiêm minh, thỏa đáng để xã hội phát triển lành mạnh.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng kịp thời phát hiện những tấm gương năng động, tận tụy, sáng tạo, dám nghĩ dám làm để tôn vinh xứng đáng. "TP.HCM sẽ tăng cường thưởng, phạt nghiêm minh, chính xác và kịp thời trên tinh thần mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu, phải làm đúng và làm tốt việc được giao. Ai làm sai, có rủi ro do yếu tố khách quan, không vụ lợi, lãnh đạo thành phố sẽ đứng ra chịu trách nhiệm phụ. Còn nếu vì động cơ cá nhân, vụ lợi, tham nhũng, hối lộ thì phải chịu trách nhiệm cá nhân", Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.
Phấn đấu hoàn thành 38 dự án, hạng mục công trình giao thông
Ngành giao thông TP.HCM phấn đấu năm 2024 khởi công 16 công trình, dự án và hoàn thành 38 dự án hoặc hạng mục chính, tập trung các dự án trọng điểm, tháo gỡ các dự án PPP sau kết luận thanh tra, kiểm toán.
Hiện tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang sớm về đích, khai thác thương mại từ tháng 7.2024; còn tuyến metro số 2 sẽ khởi công vào năm 2025. Theo Kết luận 49 năm 2023 của Bộ Chính trị, TP.HCM phải hoàn thành cơ bản mạng lưới đường sắt đô thị với tổng chiều dài 320 km. Hệ thống đường cao tốc, vành đai cũng sẽ được ngành giao thông tập trung. TP.HCM có 3 vành đai, trong đó Vành đai 2 còn một số đoạn chưa hoàn thành, Vành đai 3 đã khởi công và dự kiến hoàn thành năm 2026, Vành đai 4 đang chuẩn bị hồ sơ để khởi công trong năm 2024. Hai tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành cũng đang khẩn trương thực hiện.
Về đường quốc lộ, QL50 đang triển khai, 3 tuyến khác (QL1, QL13 và QL22) được đưa vào danh mục dự án triển khai theo hình thức BOT. Các dự án khác nối trung tâm ra vành đai như cầu đường Bình Tiên, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu Cần Giờ… đã được cân đối vốn, thông qua chủ trương đầu tư. Đối với dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM đang phối hợp Bộ GTVT điều chỉnh quy hoạch cảng biển VN và cảng biển nhóm 4.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM