Toàn bộ số thiết bị này được mua sắm trong thời gian cuối năm 2023, sau khi có nghị quyết 30, thông tư 14 và nghị định 07, tổng trị giá trên 200 tỉ đồng.
Sắp tới từ nguồn vốn phục hồi sau dịch COVID-19 và tiết kiệm chi từ các tỉnh thành, ngành, Quốc hội cũng đã "bấm nút" chấp thuận đầu tư cho Bạch Mai 1.100 tỉ đồng, gồm trên 300 tỉ xây dựng cơ bản và 790 tỉ mua sắm thiết bị.
Trong lúc nhiều bệnh viện rất khó khăn trong mua sắm, đấu thầu vật tư, thiết bị y tế, thuốc men, có bệnh viện có lúc phải tạm ngưng phẫu thuật vì thiếu vật tư, hoặc chuyển bệnh nhân sang bệnh viện khác, thì câu chuyện Bạch Mai mua sắm được loạt trang thiết bị là câu chuyện được quan tâm.
Ông Đào Xuân Cơ, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nói:
"Với việc thêm 4 máy chụp cộng hưởng từ, đây là lần đầu tiên bệnh viện chúng tôi có 7 máy chụp cộng hưởng từ cùng lúc hoạt động, bệnh nhân có chỉ định chụp về cơ bản được chụp trong ngày mà không phải đợi chờ.
Hệ thống nội soi tiêu hóa có thêm 19 dàn nội soi mới, như trước đây thì chiều vẫn còn nhiều bệnh nhân, nhưng hiện nay thì 16h chiều là gần như hết, bệnh nhân các tỉnh có thể lên xe về nhà trong ngày".
Trong lúc mua sắm bị kêu rất khó, các ông có kinh nghiệm nào mà có thể triển khai đấu thầu và đầu tư loạt thiết bị này?
- Đầu tiên là phải quyết tâm, vì nhu cầu của bệnh nhân, bệnh nhân họ chờ đợi từ mờ sáng đến đêm mà không có máy xét nghiệm, không chẩn đoán được cho họ thì bệnh viện phải nỗ lực. Thứ hai là không vướng tham nhũng, nếu có thì giám đốc cũng không dám ký.
Chúng tôi đã khai thác kỹ các hướng dẫn hiện có, đặc biệt là thông tư 14, nghị quyết 30 và nghị định 07 như lấy báo giá thế nào, đấu thầu đảm bảo công khai minh bạch.
Tại vòng kỹ thuật luôn có từ 2 đến nhiều nhà thầu đạt, chứ không hướng vào thiết bị nào, sau đó mới chấm vòng giá. Như mua máy chụp cộng hưởng từ và CT thì có 3 hãng vượt vòng kỹ thuật. Trước khi mua sắm chúng tôi đều mời chuyên gia từ cơ quan chuyên môn và từ bệnh viện khác cố vấn một cách khách quan, minh bạch.
Từ đâu mà ông cho rằng các ông đã mua sắm "không vướng tham nhũng"?
- Từ những công việc trên, chúng tôi chọn được giá hợp lý, bằng hoặc dưới giá kế hoạch, rồi chúng tôi lại thương thảo tiếp về chiết khấu thương mại. Ban đầu bệnh viện mua 15 bộ nội soi tiêu hóa giá 2,5 tỉ đồng/bộ, sau thương thảo được chiết khấu thêm 4 bộ nữa tương đương 10 tỉ đồng và nhận về tổng số là 19 bộ.
Chúng tôi cũng thương thảo để tăng thời gian bảo hành thiết bị, trước bảo hành 1 năm thì giờ bảo hành 3 năm. Các công việc này đều bắt nguồn từ việc có thêm lợi ích cho bệnh viện, giám đốc minh bạch và các bộ phận khác cũng như vậy. Tôi tự tin để mua sắm thêm các thiết bị.
Với khoản ngân sách 1.100 tỉ sắp tới, các ông sẽ đầu tư gì cho Bạch Mai, để bệnh viện lấy lại được những gì đã mất trong vụ dịch và cả những khó khăn trước đó?
- Bệnh viện Bạch Mai sẽ mua những thiết bị mà nhu cầu sử dụng đang cao, trong đó có thiết bị cấp cứu, hồi sức, thiết bị phục vụ chẩn đoán hình ảnh và điều trị ung thư như 1-2 bộ thiết bị xạ trị, máy chụp PET để xác định vùng di căn cho bệnh nhân ung thư, máy xạ hình SPECT... Lĩnh vực ung thư là lĩnh vực thiếu thốn nhất của bệnh viện chúng tôi hiện nay.
Mặc dù không phải bệnh viện chuyên khoa ung bướu, nhưng chúng tôi có một trung tâm điều trị ung bướu lớn và từ số bệnh nhân sàng lọc từ người đến khám hằng ngày, do thiếu thiết bị nên nhiều người phải chuyển sang bệnh viện khác làm bệnh nhân thêm vất vả. Có thiết bị sẽ đỡ cho họ.
Bạch Mai đã mua sắm được nhiều thiết bị, nhưng thực tế có lúc vẫn đang thiếu thuốc, vật tư cho khám chữa bệnh. Giải quyết vấn đề này bằng cách nào?
- Thực sự để đáp ứng toàn diện nhu cầu thuốc, vật tư cho một bệnh viện lớn là rất khó, chúng tôi đang đảm bảo những vật tư, thiết bị cơ bản và trọng tâm nhất.
Chúng ta đã trải qua giai đoạn khó khăn trong mua sắm đấu thầu, nhưng mong hôm nay có văn bản tháo gỡ mua đủ tất cả thiết bị vật tư thì rất khó, mà cần có một lộ trình.
9 gói thầu thuốc, hóa chất và vật tư y tế tổng giá trị gần 600 tỉ đồng đã được tỉnh Quảng Nam phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để xử lý việc thiếu thuốc.