Nhật Bản đang vào mùa cao điểm thi tuyển sinh đại học. Đối với các trường đại học ở Tokyo thì kỳ thi sẽ diễn ra vào cuối tuần này, còn ở các nơi khác dự kiến kết thúc vào ngày 13-1.
Điều này có nghĩa là hàng chục ngàn thanh thiếu niên sẽ phải bắt chuyến tàu lạ đến địa điểm thi. Trong khi đó, phụ nữ Nhật Bản trong hàng thập kỷ đã phải đối mặt với việc bị sàm sỡ trên các phương tiện giao thông công cộng.
Đáng lo ngại hơn, báo Asahi đưa tin rằng cảnh sát quyết định mạnh tay trong giai đoạn này, sau khi phát hiện nhiều bài đăng và các đoạn hội thoại trên mạng khuyến khích hành vi quấy rối. Hơn nữa, vì là giai đoạn thi cử nên có thể nữ sinh sẽ sợ ảnh hưởng đến kỳ thi mà không báo cáo cơ quan chức năng.
Ông Ishizuka, cựu giám đốc trung tâm nghiên cứu tội phạm học tại Đại học Ryukoku ở Kyoto, cho biết: "Internet đã giúp những kẻ này trao đổi tin nhắn và lời khuyên về những chuyến tàu, cũng như thời điểm dễ ra tay nhất trong ngày".
Các công ty đường sắt đã phát động một chiến dịch phòng ngừa vào đầu năm nay, bằng cách dán áp phích ở các nhà ga rằng: "Sàm sỡ và quay lén là tội ác".
Các nạn nhân được khuyến khích trình báo bất kỳ vụ việc nào, trong khi những hành khách khác cũng được khuyến khích can thiệp nếu họ thấy ai đó bị nhắm tới.
Gần 9.000 toa tàu khắp Tokyo đã được lắp camera giám sát và nhân viên ga tàu được trang bị những camera nhỏ gắn vào đồng phục để theo dõi hành vi của hành khách.
Cảnh sát cũng đang tăng cường tuần tra, bao gồm cảnh sát mặc quân phục trong và xung quanh các nhà ga cũng như cảnh sát mặc thường phục trên các tuyến tàu.
Các công ty tàu hỏa tại các trung tâm đô thị lớn trên khắp Nhật Bản cũng tăng cường đưa ra thông báo cảnh báo phụ nữ hãy cảnh giác trước những kẻ quấy rối tình dục.
"Cảnh sát đã công bố các sáng kiến trong nhiều năm nhằm ngăn chặn điều này xảy ra, nhưng thực tế là khá khó để đạt hiệu quả", ông Ishizuka nói.
Cô Kayako, hiện 39 tuổi, cho biết cô đã bị lạm dụng tình dục sau khi ngủ quên trên một chuyến tàu đêm khi mới ngoài 20 tuổi. Một hành khách nam đã sàm sỡ ngực cô.
"Đó là một cú sốc và tôi không biết phải phản ứng thế nào vì nó xảy ra quá nhanh và tôi đã ngủ quên", Kayako nói. "Trên tàu không có nhiều người và dường như không ai nhìn thấy gì cả, vậy tôi có thể làm gì?".
Ông Ishizuka nói, ngay cả lời đe dọa về án tù lên tới một năm cũng không đủ để ngăn cản những kẻ quấy rối.
Những người phạm tội lần đầu thường không bị truy tố nếu họ bồi thường cho nạn nhân và được cảnh cáo không tái phạm. Những người tái phạm phải đối mặt với mức phạt tiền và án tù lên đến hai năm.
Nhưng theo ông Ishizuka, có một cách hiệu quả để chống lại kẻ quấy rối.
"Phương án tốt nhất mà cảnh sát có là công khai danh tính kẻ quấy rối trong phiên tòa. Gia đình, hàng xóm và đồng nghiệp của họ sẽ biết những gì đã xảy ra", ông Ishizuka cho hay. "Đó là biện pháp răn đe mạnh mẽ nhất của cảnh sát".
Kết quả của cuộc khảo sát mới đây tại Nhật Bản cho thấy gần một nửa lực lượng lao động ở nước này có ý định tiếp tục làm việc kể cả khi đã đến tuổi nghỉ hưu.