Trở về là triển lãm ảnh và video mới nhất của cặp nghệ sĩ là hai anh em sinh đôi Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải hiện đang sống và làm việc tại Huế, lấy nghệ danh chung là Lê Brothers.
Dự án còn có sự hỗ trợ của Nguyễn Đăng Trường Lâm (quay phim) và Đặng Hoàng Anh (kỹ thuật), đang trưng bày tại Manzi Exhibition Space (số 2 ngõ Hàng Bún, Ba Đình, Hà Nội) đến ngày 28-1.
Triển lãm thu hút đông người xem, từ người Việt tới người nước ngoài đang sinh sống ở Hà Nội. Triển lãm hấp dẫn công chúng không chỉ bởi những nỗ lực sáng tạo trong nghệ thuật mà có lẽ ở ý nghĩa khi nghệ thuật giản dị đi vào đời sống và kể câu chuyện của đời sống.
Lê Brothers và hơn thập kỷ kể chuyện lịch sử bằng nghệ thuật
Đây là dự án tiếp diễn với các dự án trước đây, khởi đầu là Cây cầu (2010), với chuỗi tác phẩm trình diễn tại cầu Hiền Lương, nơi từng là ranh giới chia cắt hai miền Nam - Bắc Việt Nam.
Tiếp đến là những trình diễn tại vùng biên giới của Nam - Bắc Hàn gần Bàn Môn Điếm và bức tường Berlin từng chia cắt nước Đức gần nửa thế kỷ.
Trong hơn một thập kỷ qua, hai nghệ sĩ vẫn theo đuổi những dự án nghệ thuật kể câu chuyện lịch sử, mà ở đây là câu chuyện chia cắt và đoàn tụ của người dân một số quốc gia, từ Việt Nam tới Hàn Quốc, Đức.
Với Trở về, hai nghệ sĩ chọn trưng bày hơn 1.500 bức ảnh và các video kể quá trình họ tìm gặp, trò chuyện với nhiều người trong cộng đồng người Việt xa xứ đang sinh sống ở những thành phố như Halle, Berlin, Leipzig, Munich và Frankfurt trong hai tháng lưu trú tại Đức hồi tháng 3 và 4-2023.
Từ hàng ngàn bức ảnh được treo trên tường hoặc trên hai tấm lưới lớn chạy dọc theo phòng triển lãm, và những video ghi lại câu chuyện kể về mình của những Việt kiều Đức này, những góc khuất số phận, những nỗ lực vươn lên và một cuộc sống thực tại nhiều hài lòng của những người Việt xa xứ được hiển lộ trước công chúng.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online, nghệ sĩ Lê Đức Hải cho biết trong dự án này hai anh em nghệ sĩ khai thác thân phận của người Việt qua năm thế hệ đã đến Đức định cư vì những lý do, hoàn cảnh khác nhau.
Từ thế hệ đầu tiên đến Đức khi bức tường Berlin còn tồn tại, cho tới những người đến sau sự kiện bức tường này sụp đổ, và thế hệ thứ năm là những người Việt được sinh ra ở nước Đức khi bố mẹ họ định cư, kết hôn, sinh con trên đất nước này.
Các nghệ sĩ gặp gỡ, trò chuyện, đặt câu hỏi với cộng đồng người Việt ở Đức về cuộc sống, tâm tư tình cảm của họ với đất nước, cũng như lý do đã đưa họ đến Đức và quyết định ở lại đây.
Từ sự tự vấn khi ngang qua dòng Bến Hải
Nói về lý do đã nhiều năm Lê Brothers theo đuổi dự án nghệ thuật kể câu chuyện lịch sử những giai đoạn mà người dân của một đất nước phải chịu chia cắt, Lê Đức Hải cho biết các anh sinh ra ở Quảng Bình nhưng lại học nghệ thuật tại Huế và đã chọn Huế làm nơi sinh sống, lập nghiệp.
Nếu như chiếu theo giới tuyến tại dòng Bến Hải chia cắt đất nước trước 1975 (đúng năm sinh của hai nghệ sĩ) thì các anh sinh ở miền Bắc mà học tập và lập nghiệp ở miền Nam.
Những ngày còn đi học ở Huế, mỗi lần đi tàu xe từ quê nhà vào Huế, qua dòng Bến Hải, các anh đều suy nghĩ và tự vấn nếu đất nước mình vẫn còn chia cắt thì mình sẽ là ai, có lẽ sẽ không trở thành một nghệ sĩ?
Và các anh luôn cảm thấy may mắn khi mình đã được lớn lên, trưởng thành trong một đất nước thống nhất, toàn vẹn.
TTO - Trong triển lãm mới nhất của Ly Hoàng Ly đang trưng bày tại Manzi Art Space (Hà Nội), khán giả được thấy lại một Ly Hoàng Ly hồi sinh mãnh liệt sau biến cố lớn trong đời sống cá nhân hai năm trước.