Theo Thượng tọa Lâm Tú Linh - phó trụ trì chùa, trước đây dơi nhiều lắm, đậu đen trên những hàng cây, con trưởng thành sải cánh hai bên trên 2m.
Mỗi tối chúng bay đi ăn, sáng lại quay về trên đất chùa, sinh sản ngày càng nhiều. Nay nhiều du khách đến Sóc Trăng không khỏi thất vọng khi Chùa Dơi đã vắng bóng dơi.
Dơi vẫn còn về chùa nhưng rất ít. Vào mùa mưa, thỉnh thoảng chúng có bay về, nhưng chỉ ở một hai đêm rồi lại đi.
Ông Trần Trọng Khiêm, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết dơi ở Chùa Dơi thuộc loài dơi ngựa lớn và dơi ngựa bé. Một đề tài nguyên cứu năm 2009 ghi nhận đàn dơi ở Chùa Dơi chỉ còn khoảng từ 1.500 - 2.000 cá thể.
Theo ông Khiêm, có nhiều nguyên nhân khiến số lượng dơi ở Chùa Dơi giảm, nhưng chủ yếu do tập tính di chuyển rộng để tìm thức ăn, trên đường đi bị săn bắt bán cho các nhà hàng, quán ăn.
Một chủ quán ăn ở TP Sóc Trăng cho biết do quan niệm ăn thịt dơi bổ, trị được bệnh nên nhiều người tìm mua.
Ông này cho biết giá thịt dơi loại 1 (cân nặng từ 800g trở lên), sau khi chế biến có giá trên 1,2 triệu đồng/con. Dơi loại 2 từ 500g - 700g, sau khi chế biến có giá khoảng 900.000 đồng/con. Thực tế nhà hàng, quán ăn không nhốt dơi tại quán mà nhốt ở một địa điểm khác, khi có khách mua mới đem về.
Ông Khiêm cho biết thường xuyên tuyên truyền, yêu cầu các chủ nhà hàng, quán ăn trên địa bàn cam kết không mua bán dơi, ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
"Tuy nhiên do nhu cầu cao nên chủ quán có nhiều chiêu đối phó. Sắp tới chúng tôi sẽ làm nghiêm hơn", ông Khiêm cho biết.
Từ chỗ có ngàn chục ngàn con dơi ngựa về trú ngụ, sinh sản nhưng do bị săn bắt, hiện dơi ở Chùa Dơi Sóc Trăng bị sụt giảm nghiêm trọng.