Đây là một thực trạng đáng lo. Nguyên liệu làm pháo là hóa chất độc hại, do tiếp xúc gần nên khi hóa chất phát nổ, nạn nhân dễ bị các tổn thương nặng ở vùng mặt, mắt, tay, cổ, ngực... Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp.
Vết bỏng nặng gây nhiễm độc và để lại những di chứng nặng nề về thẩm mỹ như sẹo xấu, sẹo co kéo, nặng hơn là ảnh hưởng tới cơ, xương, gây khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân.
Tiếng nổ lớn còn gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay, chân... Đó còn chưa nói tới tình trạng pháo nổ có thể gây cháy, rồi cháy lan làm thiệt hại tài sản.
Đang tuổi tò mò, không ít các em học sinh đã lên mạng xã hội học cách chế tạo pháo và mua các vật dụng về cất giấu rồi tự chế thành pháo nổ. Nhiều em học sinh còn tàng trữ, thậm chí tham gia các đường dây vận chuyển, mua bán pháo nổ…
Những quảng cáo chào bán những thứ để chế pháo vẫn nhiều trên chợ mạng. Nhiều video clip hướng dẫn cách làm pháo cũng không khó tìm trên không gian mạng, dưới các video này thường có những bình luận chỉ nhau nơi bán thuốc làm pháo.
Rất đông học trò đã sẵn điện thoại trong tay, các em xem gì ngay chính cha mẹ các em cũng không thể quản hết được. Không được "làm bạn" với pháo nổ dưới bất cứ hình thức nào (tự chế pháo, mua bán, tàng trữ, chơi và đốt pháo, vận chuyển pháo…) - những bài học từ thầy cô sẽ mất tác dụng khi quá nhiều thứ dụ dỗ các em cứ hiện ra trên điện thoại.
Cùng với việc xử phạt người tàng trữ, vận chuyển, mua bán và đốt pháo nổ, cơ quan chức năng cần mạnh tay truy tìm và xử phạt các trang thương mại điện tử đang có bán các chất làm pháo.
Cần có biện pháp xử lý chủ các kênh đăng tải hình ảnh về pháo chế đang nhắm đến người xem tuổi học trò. Có như vậy mới ngăn được tai nạn thương tâm từ pháo.
Một trong hai bé trai sử dụng máy xay sinh tố trộn hóa chất chế tạo pháo dẫn đến phát nổ. Các mảnh vỡ dị vật bằng thủy tinh của máy sinh tố đã găm vào nhiều vị trí trên cơ thể các em.