Sáng 14-1, trong Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Nha Trang, nhiều phụ huynh có con mới học lớp 11 cũng đã đến tìm hiểu thông tin, vì năm sau, các con sẽ dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học theo "luật chơi" mới.
Cùng thời điểm, tại Thanh Hóa, chương trình cũng diễn ra tại Trường đại học Hồng Đức.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), các sở giáo dục và đào tạo và các trường đại học tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn VinGroup.
Đi nghe tư vấn sớm để chủ động
Đến chương trình tư vấn từ rất sớm, chị Hồ Thị Anh, có con đang học lớp 11 tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), dạo một vòng các gian tư vấn, tìm hiểu ngành công nghệ kỹ thuật ô tô cho con.
Chị chia sẻ do con thuộc lứa đầu tiên theo học Chương trình phổ thông 2018, gia đình không rõ cách thức tuyển sinh, xét tuyển đại học từ năm 2025 sẽ thay đổi ra sao. Nếu biết thông tin sớm, gia đình sẽ sẵn sàng hơn.
"Như tôi biết các trường đang gia tăng chỉ tiêu cho các phương thức tuyển sinh riêng, kỳ thi đánh giá năng lực, và giảm bớt chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ. Tôi dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì cho năm 2025. Tôi mong các trường sớm công bố định hướng tuyển sinh năm 2025 để thí sinh định hướng ôn tập", chị Anh nói.
Tương tự, chị Nguyễn Hồng Nhung cùng con đang học lớp 11 đến chương trình. Con chị đang muốn theo ngành kinh tế. Ngoài thắc mắc về thay đổi cách thức tuyển sinh, gia đình chị còn cân nhắc thêm về học phí khi Chính phủ vừa ban hành nghị định điều chỉnh mức tăng, lộ trình tăng học phí.
"Qua khảo sát tôi thấy có nhiều trường dự kiến sẽ tăng học phí gấp từ 1,5 - 2 lần so với hiện tại. Mức học phí phổ biến cho các ngành kinh tế ở những đại học tại TP.HCM chúng tôi nhận thấy là từ 30 - 60 triệu đồng. Biết phải đóng bao nhiêu, chúng tôi sẽ sớm có sự chuẩn bị", chị Nhung chia sẻ.
Băn khoăn về những thay đổi trong cách thi cử, tuyển sinh từ năm 2025 không chỉ xuất hiện ở khu vực gian tư vấn mà còn lan đến khu vực tư vấn chung.
Bạn Đỗ Tuấn Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật (Khánh Hòa), tâm sự bạn thuộc nhóm học sinh cuối cùng sẽ thi tốt nghiệp THPT theo hình thức như hiện tại. Nếu không may "rớt" đại học, bạn sợ sẽ phải cạnh tranh cùng lứa học sinh "đàn em" sinh 2007 với nhiều thay đổi về cách thức thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học.
Trước những lo lắng của phụ huynh, học sinh, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, nguyên quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố đề minh họa các môn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Các kiến thức trong kỳ thi dựa trên những gì học sinh đã học.
Dù học sinh theo Chương trình phổ thông 2018 hay phổ thông hiện nay, những kiến thức cơ bản của một môn học vẫn tương tự nhau. Do vậy, những học sinh lớp 12 năm nay nếu muốn dự thi lại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm sau cùng với khóa 2007 sẽ không gặp nhiều khó khăn ôn tập.
Chinh phục ngành "hot"
Tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp ở Thanh Hóa, nhiều thí sinh đặt câu hỏi liên quan tới ngành "hot", trong đó đặc biệt có ngành tâm lý học và công nghiệp bán dẫn.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), đưa ra một thông tin rất đáng lưu ý về ngành tâm lý học, ngành học ngày càng nhiều học sinh quan tâm nhưng lại còn "rất lơ mơ".
Cô Hương cho biết tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, năm 2023, số lượt nguyện vọng đăng ký học thạc sĩ vào ngành này chiếm 1/3 tổng số nguyện vọng vào trường. Ngành tâm lý học cũng là ngành có điểm chuẩn cao khi tuyển sinh ở bậc cử nhân trong các năm gần đây.
Ngành tâm lý học "hot", theo cô Hương là do nhu cầu tư vấn, trị liệu tâm lý tăng lên trong thời gian qua, nhất là sau dịch COVID-19. Tình trạng mắc các bệnh về tâm lý như trầm cảm, rối loạn cảm xúc, lo âu, stress do áp lực công việc, áp lực trong học tập, thi cử, gặp bất ổn trong quan hệ gia đình và quan hệ trong các môi trường làm việc, ngoài xã hội... ngày càng nhiều.
Ở nhiều môi trường ngành nghề hiện nay cũng đã quan tâm hơn tới vị trí việc làm của nhân viên tư vấn, trị liệu tâm lý. Ví dụ như trong ngành giáo dục, sau khi có quy định cho vị trí việc làm của nhân viên tâm lý học đường, nhiều trường đã quan tâm tuyển dụng nhân viên tâm lý.
Và trên thực tế, vấn đề chăm sóc tinh thần, giải quyết các vấn đề về khủng hoảng tâm lý học sinh, sinh viên được quan tâm hơn. Đó là những yếu tố thúc đẩy nhu cầu chọn ngành tâm lý học cả ở bậc cử nhân và thạc sĩ.
"Em quan tâm đến ngành công nghiệp bán dẫn, hiện có những trường nào đào tạo?", một học sinh đặt câu hỏi. PGS.TS Vũ Duy Hải, trưởng ban tuyển sinh - hướng nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết từ năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội và một số cơ sở đại học thuộc nhóm kỹ thuật công nghệ sẽ mở đào tạo ngành chip bán dẫn.
Thầy Hải cũng cho biết sau khi Nhà nước có chủ trương, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh lực công nghiệp chip bán dẫn đã vào Việt Nam. Theo đó, nhu cầu nhân lực trong tương lai gần sẽ nhiều.
"Nếu yêu thích, quan tâm các em có thể tìm hiểu kỹ và nắm thông tin tuyển sinh ngành này trên website của các trường để đón trước nhu cầu nhân lực", thầy Hải nói.
Tư vấn cho các học sinh Thanh Hóa về đăng ký xét tuyển vào ngành công nghiệp bán dẫn, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng những học sinh đang học tốt các môn học ở tổ hợp toán, lý, hóa hay toán, lý, Anh thì thuận tiện khi muốn đăng ký xét tuyển vào ngành đào tạo công nghiệp bán dẫn.
Nhiều cánh cửa vào đại học
Về xét tuyển đại học năm 2025, TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng các học sinh nên yên tâm bởi dự kiến cũng sẽ không có quá nhiều thay đổi.
Các trường đại học đang tuyển sinh bằng rất nhiều phương thức, như xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, kỳ thi tốt nghiệp THPT và cả các kỳ thi riêng... Mặc dù kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ thi theo hình thức mới nhưng rõ ràng học sinh vẫn có nhiều cánh cửa vào đại học bằng rất nhiều phương thức.
"Các bạn nên giữ tâm thế bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ đạt được kết quả tốt nhất, thay vì sợ mình... rớt. Quan trọng là các học sinh lớp 12 năm nay cần chuẩn bị được những kiến thức quan trọng để tạo nền tảng bước vào những kỳ thi sắp tới", ông Hạ nói.
Thí sinh quan tâm ngành công nghệ thông tin
Tại gian tư vấn riêng trong Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Thanh Hóa, cô Nguyễn Thị Phương Thanh, chuyên viên phòng đào tạo Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính là những ngành hot, đang được các bạn học sinh quan tâm và đặt câu hỏi nhiều nhất.
"Công nghệ thông tin không phải chỉ có những tên ngành hot trên, có những ngành vẫn thuộc lĩnh vực nhưng sẽ tên gọi khác. Khi chọn những ngành quá hot theo số đông đồng nghĩa với việc tỉ lệ cạnh tranh cao, điểm chuẩn cao.
Do vậy tùy năng lực của học sinh, ban tư vấn sẽ tư vấn cho các em một số ngành cũng là công nghệ thông tin nhưng tên khác, có chung nền tảng kiến thức phù hợp với đam mê và năng lực.
Ví dụ ngành công nghệ thông tin của Trường đại học Công nghệ năm 2023 xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT là 28 điểm, nếu học sinh đạt khoảng 25 - 26 điểm có thể chọn ngành hệ thống thông tin. Chương trình học giống nhau đến khoảng 70%", cô Thanh nói.
Theo cô Thanh, nếu đã chọn ngành kỹ thuật, công nghệ thì không có ngành nào là nhàn. Tuy nhiên, theo thống kê sinh viên nữ vào Trường đại học Công nghệ chọn ngành hệ thống thông tin nhiều hơn để "đỡ vất vả hơn", công việc liên quan đến phân tích, xử lý, bảo mật dữ liệu. Sau này ra trường cơ hội làm việc rộng mở, sinh viên có thể làm việc tại các ngân hàng, sàn thương mại điện tử...
Ba chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp đồng loạt diễn ra vào hôm nay 13-1 tại tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Nghệ An.