Quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chính phủ đề xuất giao Thống đốc quyền quyết định cho vay đặc biệt lãi suất 0% với ngân hàng đang theo phương án cơ cấu lại.
Tuy nhiên tại dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường ngày 15/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt lãi suất 0% một năm, khoản vay không tài sản đảm bảo thuộc về Thủ tướng.
Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt với khoản vay có lãi suất và tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng. Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định mức lãi suất, tài sản bảo đảm của khoản cho vay đặc biệt này.
Giải trình quy định trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết trường hợp đề nghị vay đặc biệt lãi suất 0% một năm, không có tài sản đảm bảo là các trường hợp quan trọng, cần sự phối hợp của các cơ quan liên quan, như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Mặt khác quy định như vậy cũng phù hợp với luật hiện hành, là Thủ tướng quyết định cho vay đặc biệt với nhà băng bị kiểm soát đặc biệt, với lãi suất ưu đãi đến 0%.
"Ngân hàng Nhà nước vừa có vai trò của ngân hàng trung ương, vừa là thành viên Chính phủ, nên trong những trường hợp đặc biệt, cơ quan này đề xuất Thủ tướng quyết định cho vay không tài sản đảm bảo, vay với lãi suất 0% một năm là cần thiết, hợp lý", báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu.
Riêng với quỹ tín dụng nhân dân, dự luật chỉnh lý theo hướng Ngân hàng Hợp tác xã sẽ quyết định khoản vay đặc biệt có lãi suất, tài sản đảm bảo từ Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân. Trường hợp không có tài sản đảm bảo, vay với lãi suất 0% một năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng hợp tác xã.
Ngoài ra, Bảo hiểm tiền gửi được cho vay đặc biệt với ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, ngân hàng thương mại theo quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.
Để đảm bảo chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện quy định về bảo hiểm tiền gửi, theo hướng "tổ chức bảo hiểm tiền gửi cho vay đặc biệt phải có lãi suất, tài sản đảm bảo và trong phạm vi quỹ dự phòng bảo đảm".
Bảo hiểm tiền gửi phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước khi khoản vay không có tài sản đảm bảo, lãi suất 0% một năm. "Ngân hàng Nhà nước không cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi vay đặc biệt, để tổ chức này cho vay lại với các tổ chức tín dụng", Ủy ban Thường vụ lưu ý.
Liên quan tới can thiệp sớm các ngân hàng, chi nhánh nhà băng nước ngoài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có ý kiến đề nghị việc can thiệp cần thực hiện ngay khi có dấu hiệu cảnh báo trong quản trị, điều hành hoặc vi phạm tỷ lệ bảo đảm an toàn (CAR là 8%) trong khoảng thời gian nhất định.
Cũng có ý kiến khác thống nhất việc kết hợp lỗ lũy kế với chỉ tiêu vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Ngân hàng Nhà nước được đề xuất là cơ quan xem xét áp dụng biện pháp can thiệp sớm trong trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt.
Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay dự thảo luật trước đó quy định giao Ngân hàng Nhà nước quyết định can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có lỗ lũy kế trên 15% vốn điều lệ (gồm vốn được cấp, quỹ dự trữ) và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8%.
Ở lần chỉnh lý, hoàn thiện này, các biện pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng để kiểm soát rủi ro cũng được các cơ quan xem xét bổ sung. Điều này, Ủy ban Thường vụ đánh giá nhằm tránh tình trạng ngân hàng đang yếu kém nhưng vẫn mở rộng hoạt động, tăng trưởng như vừa qua. Đến khi cơ quan chức năng phát hiện đã muộn, khiến việc xử lý khó khăn, phải dùng nhiều nguồn lực.
Cũng theo dự thảo luật, trường hợp tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đặt vào diện kiểm soát đặc biệt, gồm ngân hàng không có phương án khắc phục; không khắc phục được khi hết thời hạn thực hiện phương án do cấp có thẩm quyền yêu cầu. Ngân hàng bị rút tiền hàng loạt, có nguy cơ mất an toàn hệ thống, tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% (bằng một nửa tỷ lệ yêu cầu 8%) trong 6 tháng và không có khả năng thanh toán các khoản nợ... cũng trong diện sẽ bị xem xét đưa vào kiểm soát đặc biệt.
Ngoài ra, dự thảo đã bổ sung quy định về phương án phục hồi, sáp nhập và chuyển nhượng vốn (một phần hoặc toàn bộ) của ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Trường hợp để đảm bảo an toàn hệ thống, Chính phủ sẽ quyết định việc áp dụng biện pháp đặc biệt hay không với các nhà băng này, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Hiện 5 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, gồm CBBank, OceanBank, GPBank, DongABank và SCB. Kiểm soát đặc biệt là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung. Trong lịch sử ngành ngân hàng, đã có nhiều nhà băng từng bị rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh.
Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận dự thảo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào chiều nay (15/1).
Anh Minh