Thanh khoản lại mất hút
Kết phiên giao dịch ngày 15-1, VN-Index dừng ở mức 1.154,12 điểm, giảm 0,58 điểm so với phiên trước. Điểm đáng chú ý là thanh khoản phiên đã sụt về mức rất thấp, chỉ hơn 13.000 tỉ đồng cả 3 sàn.
Trong khi ở tuần trước, giá trị giao dịch bình quân phiên đã leo lên mức hơn 22.200 tỉ đồng, tăng tới gần 17% so với trung bình 5 tuần.
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), mặc dù mở cửa trong sắc xanh và tăng gần chạm mốc 1.160, nhưng điểm số sau đó nhanh chóng đảo chiều giảm.
"Thanh khoản trong sáng nay ghi nhận sự sụt giảm khá đáng kể do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư", VCBS nhận định. Theo thống kê, tổng giá trị khớp lệnh phiên sáng chỉ đạt 4.883 tỉ đồng, giảm 54% so với phiên trước.
Nhóm ngân hàng - vốn thu hút dòng tiền tốt nhất trong những phiên đầu năm - cũng thể hiện sự suy yếu khi áp lực bán đã xuất hiện.
Dù phiên chiều xuất hiện dòng tiền vào ở đầu phiên, tuy lực mua chủ động không gia tăng mạnh nhưng cũng giúp đẩy thanh khoản trong ngày lên xấp xỉ 10.000 tỉ đồng. Khối ngoại mua bán khá cân bằng trong phiên hôm nay, với giá trị mua ròng đạt khoảng 54 tỉ đồng trên HoSE.
Thị trường còn khó khăn?
Theo ông Bùi Văn Huy - giám đốc chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC, thị trường đã tăng khoảng 30 điểm kể từ khi bắt đầu năm 2024, song mặt bằng giá chung vẫn ngang cuối năm trước.
Có khoảng 53,2% cổ phiếu giảm giá từ đầu năm và chỉ có khoảng 5% cổ phiếu trên HoSE tăng giá trên 10% từ khi bắt đầu năm 2024, tập trung ở nhóm ngân hàng, ông Huy cho biết.
Bước sang tuần mới, vị chuyên gia nhận định, bối cảnh quốc tế cũng không có quá nhiều sự tích cực.
Trong nước, mùa kết quả kinh doanh quý 4-2023 chưa có gì quá đột biến ngoài ngân hàng. Tuy nhiên ông Huy cho rằng "sóng" ngân hàng lần này vẫn chỉ mang tính chất ngắn hạn.
Với nhóm bất động sản, chuyên gia cũng dự báo kết quả quý 4 sẽ vẫn chưa có gì khởi sắc, dù nội tại doanh nghiệp đang dần được củng cố.
Còn nhóm cổ phiếu chứng khoán, vị chuyên gia lưu ý định giá đã không còn rẻ. Dù nhà đầu tư rất kỳ vọng vào tiến độ KRX, song đến nay vẫn chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào.
Theo quan sát của giới chuyên gia, thông thường sóng chứng khoán sẽ tích cực hơn vào những tháng đầu năm.
Thống kê của Tuổi Trẻ Online cũng cho thấy trong 11 năm qua (2013 - 2023), chỉ có 3 lần VN-Index giảm điểm trong quý đầu năm (rơi vào các năm 2016, 2020 và 2022). Trong đó, năm 2020, tính riêng quý 1, VN-Index đã "bốc hơi" 31% khi COVID-19 ập đến
Sang đầu năm nay, thị trường rất phân hóa và mang đặc tính của một nhịp tăng thường diễn ra trong giai đoạn giữa năm. Trong một môi trường giao dịch phân hóa như vậy, ông Bùi Văn Huy cho rằng việc chọn đúng nhóm cổ phiếu và bám theo đà tăng của nhóm cổ phiếu đó quan trọng hơn phán đoán xu hướng thị trường chung.
Trong các phiên giao dịch tuần qua, thanh khoản tiếp tục giảm mạnh nhất ở ngành bất động sản, tiếp đó là ngành chứng khoán, thép, xây dựng.