Doanh thu thương mại điện tử của TP.HCM tăng 37%, đứng đầu cả nước
Với tốc độ tăng trưởng 37%, doanh thu thương mại điện tử của TP.HCM trong năm 2023 cao nhất cả nước, chiếm 1/3 tổng doanh thu toàn ngành. Trong đó, doanh số mua đạt 6,2 tỉ USD, doanh số bán là 4,7 tỉ USD. Các con số này đóng góp đáng kể vào quy mô thị trường thương mại điện tử 20,5 tỉ USD của cả năm.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, hiện thành phố là nơi đặt trụ sở làm việc của hầu hết doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử và dịch vụ bổ trợ thương mại điện tử của cả nước, nơi đây cũng dẫn đầu các xu thế mới về thương mại điện tử. Tuy vậy, sự phát triển nhanh chóng của kênh thương mại này cũng đem lại những thách thức trong công tác quản lý nhà nước.
Do đó trong năm 2024, Sở Công Thương cố gắng xây dựng bộ dữ liệu của những người bán, doanh nghiệp có doanh số lớn, để từ đó có cơ sở để tăng cường kiểm tra liên quan đến thuế và chất lượng của hàng hóa trên sàn thương mại điện tử, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững.
Còn 13 tỉnh, thành phố chưa công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp
Tính đến ngày 10-1-2024, cả nước còn 13 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp gồm: Hòa Bình, Lai Châu, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, việc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế theo từng giai đoạn; xây dựng quy định quản lý, khai thác, sử dụng đối với các hồ, ao, đầm có giá trị về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, đây cũng là cơ sở để bảo vệ "lá phổi xanh", nhất là trong bối cảnh thời gian qua ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng hồ, ao, đầm bị lấn chiếm, san lấp làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm chất lượng nguồn nước, ô nhiễm môi trường; làm giảm hiệu quả trong việc tiêu thoát nước, phòng, chống ngập lụt trong mùa mưa; gây mất an toàn trong việc cung cấp nước cho sinh hoạt và các mục đích sử dụng nước thiết yếu trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước trong mùa khô…
Không giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho trường không có phương án tuyển sinh trực tuyến
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, chuẩn bị cho công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025, sở yêu cầu tất cả các trường THPT tư thục trên địa bàn phải xây dựng phương án và tổ chức tuyển sinh lớp 10 theo hình thức trực tuyến.
Sở sẽ thành lập các đoàn trực tiếp đi kiểm tra điều kiện tuyển sinh của tất cả các trường. Trường nào không bảo đảm các điều kiện tuyển sinh, không có phương án tuyển sinh trực tuyến sẽ không được giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025.
Việc này nhằm chấm dứt tình trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm để nộp hồ sơ tuyển sinh cho con, gây bức xúc trong dư luận.
COVID-19 tăng ở nhiều nước, Bộ Y tế yêu cầu giám sát dịch từ cửa khẩu
Tin tức từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong tháng 12-2023, thế giới ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do COVID-19, số ca nhập viện tăng 42% so với tháng 11-2023. Các biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi, hiện JN.1 đã gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu.
Tại Mỹ, Trung Quốc và một số quốc gia châu Âu cũng ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca nhiễm COVID-19 cùng với sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp khác như cúm mùa và vi rút hợp bào hô hấp (RSV).
Trong nước, do yếu tố thời tiết, nhiều bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan, nhất là bệnh lây qua đường hô hấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng…
Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Do đó Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chủ động có kế hoạch phòng chống dịch bệnh, tiếp tục triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế, tiếp tục duy trì thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng.
Các đơn vị triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm và tuyên truyền nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học...
78% ca tai biến thẩm mỹ do "bác sĩ tay ngang" thực hiện
Tại hội nghị da liễu thẩm mỹ miền Nam ngày 16-1, bác sĩ CKII Nguyễn Thị Phan Thúy - phó giám đốc điều hành Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết số ca tai biến thẩm mỹ tăng dần mỗi năm, trừ năm 2021 vì ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Riêng trong năm 2023 vừa qua là 608 ca, với 85 ca tai biến xảy ra tại các cơ sở trên địa bàn TP đã báo cáo Sở Y tế TP.
Theo số liệu nghiên cứu tại bệnh viện, gần 78% ca tai biến thẩm mỹ do người thực hiện không phải là bác sĩ. Hơn 15% bệnh nhân khi làm đẹp không biết người thực hiện có phải bác sĩ hay không vì chỉ thấy mặc áo blouse trắng. Chỉ có hơn 6% ca tai biến do bác sĩ gây ra.
Các trường hợp tai biến rất đa dạng, nhiều mức độ, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người bệnh. Nguyên nhân chính gây tai biến thường liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị và do con người (cơ địa bệnh nhân, việc không tuân thủ quy trình chăm sóc sau thẩm mỹ hoặc do người thực hiện không đúng chuyên môn, kỹ thuật…).
Trước thực trạng này, bác sĩ Thúy khuyến cáo mỗi người dân cần biết nhận thức, tỉnh táo, đến cơ sở làm đẹp có chuyên môn, cũng như tìm hiểu kỹ để tránh tiền mất, tật mang.
Người Việt ngày càng đổ nhiều tiền để mua sắm qua sàn thương mại điện tử. Chỉ tính riêng trong tháng 11-2023, người dùng đã chi gần 31.200 tỉ đồng vào bốn sàn lớn gồm: Shopee, Lazada, TikTok Shop và Tiki.