Giao dịch nhà đất giảm về cuối năm
Về dự án phát triển nhà ở thương mại, theo báo cáo của Bộ Xây dựng trong quý 4/2023 đã hoàn thành 29 dự án với quy mô khoảng 13.646 căn, số lượng dự án bằng 138,1% so với quý 3/2023. Tại miền Bắc có 18 dự án với 11.690 căn; tại miền Trung có 4 dự án với 592 căn; còn miền Nam có 4 dự án với 1.091 căn.
Về dự án được cấp phép mới có 20 dự án với quy mô khoảng 11.539 căn, số lượng dự án được cấp phép mới bằng 133% so với quý 3/2023, tại miền Bắc có 12 dự án, miền Trung có 6 dự án và miền Nam có 2 dự án.
Đồng thời, có 47 dự án với quy mô khoảng 14.566 căn đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Trong khi đó, dự án đang triển khai xây dựng có 854 dự án với quy mô khoảng 402.570 căn, số lượng dự án đang triển khai xây dựng bằng 98,9% so với quý 3/2023,.
Tính chung trong năm 2023, cả nước có 67 dự án được cấp phép mới với quy mô khoảng 24.993 căn; có 71 dự án hoàn thành xây dựng với quy mô khoảng 29.612 căn và 197 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Đối với dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, trong quý 4/2023, cả nước đã có 16 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 9.302 căn đã hoàn thành và cấp phép xây dựng.
Như vậy, trong cả năm 2023, cả nước đã có 44 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 36.262 căn đã hoàn thành và được cấp phép, khởi công xây dựng.
Về lượng giao dịch, theo tổng hợp số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương có báo cáo, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ có 27.590 giao dịch thành công; lượng giao dịch đất nền có 81.476 giao dịch thành công.
Qua số liệu tổng hợp cho thấy, lượng giao dịch trong phân khúc đất nền , căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý 4 giảm với quý 3/2023. Cụ thể, trong quý 4/2023 có 81.476 giao dịch đất nền, bằng khoảng 89,26% so với quý 3/2023; đối với giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý 4/2023 có 27.590 giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 92,82% so với quý 3/2023.
Về tồn kho bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, lượng tồn kho bất động sản tại các dự án trong quý 4 vào khoảng 16.315 căn (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền), trong đó: chung cư 2.826 căn; nhà ở riêng lẻ 5.173 căn; đất nền 8.316 nền. Theo đó, có thể thấy tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.
Lượng tồn kho thuộc phân khúc nhà chung cư trong quý 4 bằng khoảng 88,42% so với quý 3/2023; lượng tồn kho thuộc phân khúc đất nền bằng khoảng 115,66% so với quý 3/2023 và lượng tồn kho thuộc phân khúc nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 78,93% so với quý 3/2023.
"Nhìn chung, trong năm 2023, lượng tồn kho bất động sản trong các dự án đối với các phân khúc nhà ở chung cư, nhà ở riêng lẻ và phân khúc đất nền có xu hướng giảm", Bộ Xây dựng đánh giá.
Về nguồn cung, theo Bộ Xây dựng trong quý 4/2023, nguồn cung bất động sản của dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở có sự chuyển biến theo xu hướng tăng.
Theo đó, số lượng dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai bằng 104,26% so với quý 3/2023; số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong quý 4 bằng 119,05% so với quý 3/2023.
Bên cạnh đó, số lượng dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở hoàn thành bằng 188% so với quý 3/2023 và số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp phép xây dựng mới trong quý 4 nhiều hơn so với quý 3/2023 (trong quý 4 có 20 dự án, trong quý 3 có 15 dự án).
Tuy nhiên, về tổng thể thì nguồn cung bất động sản trong năm 2023 còn hạn chế so với năm 2022.
Cả năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng
Bộ Xây dựng đã đưa số liệu từ báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho thấy tính đến 31/11/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.022.532 tỷ đồng.
Trong quý 4/2023, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết tâm, nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế. Theo đó, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động (lãi suất huy động và lãi suất cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2%/năm so với cuối năm 2022), đồng thời lãi suất cho vay mua nhà cuối năm của một số ngân hàng cũng giảm hơn so với năm 2022.
Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động điều hành và đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra, đó là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thị trường tiền tệ ngoại hối về cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất giảm, theo đó đã ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản… Điều hành, giám sát, bảo đảm hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định và luôn trong tầm kiểm soát để ổn định kinh tế vĩ mô phát triển kinh tế - xã hội..
Về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản, dẫn số liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam tổng hợp từ HNX và SSC, tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực bất động sản cụ thể sau:
Tính cả năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng. Trong đó, có 29 đợt phát hành ra công chúng trị giá 37.071 tỷ đồng (chiếm 11.9% tổng giá trị phát hành); Có 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 275.028 tỷ đồng (chiếm 88.1% tổng số). Theo đó, nhóm bất động sản với 73.202 tỷ đồng (chiếm 23.5%).
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính trình Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, điều hành kịp thời giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, minh bạch, đóng góp cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế và thực hiện theo chủ trương của Đảng, Nhà nước từng bước phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng.
Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, theo công bố của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, trong năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 39,9% so với năm trước. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với năm trước. Các ngành sản xuất, phân phối điện; tài chính ngân hàng xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 2,37 tỷ USD (tăng 4,9%) và gần 1,56 tỷ USD (gấp gần 27 lần), còn lại là các ngành khác.
Về hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, ác doanh nghiệp bất động sản trong năm 2023 hiện vẫn gặp nhiều khó khăn khi số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới chỉ có 4.725 doanh nghiệp, giảm 45,01% so với năm 2022; số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 1.286 doanh nghiệp (tăng 7,7%) và 3.705 doanh nghiệp (tăng 47,4%) so với năm trước (số liệu tổng hợp từ Cục Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Tình trạng cắt giảm nhân sự tại các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang diễn ra không chỉ đối với các doanh nghiệp nhỏ mà cả các doanh nghiệp bất động sản lớn trên thị trường
Hoạt động của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản vẫn đang có nhiều khó khăn, thách thức, cụ thể như:
Thứ nhất, khó khăn, vướng mắc về pháp lý dự án, cụ thể như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc; quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên;...
Thứ hai, cơ chế phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản, cụ thể như: trong công tác giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân; công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án; …
Thứ ba, khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án (phải giãn tiến độ, dừng triển khai). Khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023…
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các biện pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy, tạo được sự chuyển biến rất tích cực có tính lan tỏa từ các Bộ, ngành đến các địa phương. Cụ thể như Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, để kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, tạo điều kiện để tiếp cận thuận lợi thị trường vốn, tín dụng và tháo gỡ được các “vướng mắc pháp lý” cho dự án bất động sản…
Theo đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, xây dựng, quy hoạch, nhà ở, kinh doanh bất động sản đã được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục, pháp lý dự án. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn có một số vướng mắc, đặc biệt là liên quan đến pháp luật về đất đai, về thủ tục giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất…tại nhiều dự án, nhiều địa phương.
Mặt bằng lãi suất tín dụng đã được điều chỉnh giảm nhiều lần trong năm; Ngân hàng nhà nước đã tích cực chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung thực hiện cho vay, giải ngân đối với các dự án bất động sản đủ điều kiện; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ cho vay đối với dự án nhà ở xã hội, cải tạo xây dựng chung cư cũ. Tuy nhiên, theo phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc rà soát tháo gỡ và thực hiện thủ tục để triển khai các dự án của các địa phương cũng còn chậm.
Tuệ Minh