Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos 2024 vừa công bố báo cáo cho thấy sự chênh lệch đáng kể về chăm sóc sức khỏe giữa hai giới đang gây thiệt hại 1.000 tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu mỗi năm.
Báo cáo dài 42 trang, do Ferring Pharmaceuticals và Viện Y tế McKinsey của Thụy Sĩ phối hợp thực hiện và công bố ngày 17-1, nhấn mạnh rằng trong 1/4 cuộc đời của mình, người phụ nữ phải sống chung với tình trạng sức khỏe kém hơn nam giới.
Nguyên nhân chính là sự bất bình đẳng trong các nghiên cứu y tế, quá trình chẩn đoán và điều trị khi nam giới thường được ưu tiên hơn.
Báo cáo ước tính rằng nếu thu hẹp được khoảng cách bất bình đẳng này, đến năm 2040, mỗi năm nền kinh tế toàn cầu có thêm 1.000 tỉ USD, tương đương tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người tăng thêm 1,7% do những đóng góp của nữ giới.
Cụ thể, mỗi 1 USD đầu tư vào chăm sóc sức khỏe phụ nữ sẽ đóng góp 3 USD vào tăng trưởng kinh tế. Phần lớn mức tăng trưởng này có được là do người phụ nữ tham gia trở lại lực lượng lao động sau khi dưỡng bệnh.
Báo cáo viện dẫn thực tế hiện nay, các căn bệnh chỉ nữ giới mới mắc như lạc nội mạc tử cung và mãn kinh chưa có nghiên cứu đầy đủ.
Hiện có tới hơn 50% số phụ nữ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung không được chẩn đoán chính xác. Nếu ngăn chặn hoặc được điều trị sớm đúng cách các bệnh này - GDP toàn cầu có thể có thêm 130 tỉ USD vào năm 2040.
Nghiên cứu trước đây cho thấy có tới 700 căn bệnh phụ nữ thường được chẩn đoán muộn hơn nam giới, trong đó ung thư mất trung bình 2,5 năm mới được phát hiện.
Trưởng bộ phận y tế của WEF, ông Shyam Bishen, nhấn mạnh các phân tích trong báo cáo cho thấy đầu tư vào sức khỏe phụ nữ phải là ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia.
Ngoài việc cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ, đảm bảo người phụ nữ được tiếp cận những công nghệ mới trong chăm sóc sức khỏe là một trong những khoản đầu tư tốt nhất mà các nước có thể thực hiện cho xã hội và nền kinh tế của họ.
WEF cũng cho biết cơ quan này đang thành lập Liên minh Toàn cầu về sức khỏe phụ nữ, với cam kết đầu tư 55 triệu USD.
Nhiều chị em phụ nữ ở độ tuổi trung niên gặp không ít rắc rối về sức khỏe khi thường xuyên căng thẳng, tần suất làm việc cao, ăn uống không điều độ...