Nhân chuyến công tác tại Thụy Sĩ của Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF Davos 2024), Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Philipp Rösler, cựu giám đốc điều hành WEF trong bốn năm, về những vấn đề lớn liên quan tới kinh tế Việt Nam.
Việt Nam có thể nhảy vọt về số hóa
* Ông đánh giá thế nào về việc tham dự WEF Davos 2024 của Thủ tướng Phạm Minh Chính? Theo ông, đâu là những lĩnh vực Việt Nam có thể tận dụng diễn đàn để đóng góp cho thế giới, đồng thời gửi thông điệp tới các doanh nghiệp hàng đầu tại diễn đàn?
- Sự hiện diện của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phái đoàn đông đảo bao gồm các bộ trưởng ở WEF Davos diễn ra đúng vào thời điểm có sự quan tâm lớn tập trung vào Việt Nam cũng như WEF Davos 2024.
Các bài phát biểu của Thủ tướng sẽ nêu bật tiềm năng và lợi thế của Việt Nam. Tôi tin điều này sẽ thúc đẩy sự quan tâm của giới kinh doanh toàn cầu đối với cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, nhất là doanh nghiệp FDI.
Ông cũng đã cùng ăn sáng, làm việc với Hội các chủ tịch trẻ vào sáng 17-1. Họ là những doanh nhân toàn cầu, khởi nghiệp từ khi còn rất trẻ nhưng đã rất thành công với hàng trăm nhân viên và hàng triệu USD doanh thu.
Đó là dịp họ được trực tiếp lắng nghe từ người đứng đầu Chính phủ để hiểu những gì đang diễn ra ở Việt Nam, sự hỗ trợ từ Chính phủ cho cộng đồng doanh nghiệp và Việt Nam hấp dẫn như thế nào.
Những lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu không chỉ là các ngành truyền thống, sản xuất mà còn có một chủ đề quan trọng nữa là chuyển đổi số. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, hầu hết mọi thứ có thể số hóa đều sẽ được số hóa. Và Việt Nam có lợi thế lớn là có thể nhảy vọt vào thời đại số hóa này mà không cần phải trải qua toàn bộ tiến trình.
Đoàn của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tập trung vào một chủ đề rất thú vị, đó là tài chính. Và một sự kiện đã được tổ chức vào tối 17-1 (giờ Thụy Sĩ) với sự tham dự của Thủ tướng cùng lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sĩ nhằm thu hút cộng đồng tài chính trên toàn cầu đến Việt Nam, chẳng hạn như xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Tôi dự cả hai cuộc trên và phải nói rằng sự quan tâm là rất lớn, đến nỗi Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Thụy Sĩ phải lập ra một danh sách chờ gồm các doanh nghiệp muốn tham gia. Đó là bất ngờ với chúng tôi nhưng cũng rất vui.
Hai cuộc vừa kể chỉ là hai trong số nhiều ví dụ cho thấy Việt Nam có thể hưởng lợi thông qua các hoạt động trong khuôn khổ hay bên lề hội nghị WEF.
* Việt Nam và WEF đã có quan hệ gắn kết nhiều năm qua. Là người từng làm cho WEF, ông có thể chia sẻ thêm về điều này? Theo ông, WEF đã, đang và sẽ đóng góp gì cho sự phát triển của Việt Nam?
- Mối quan hệ giữa WEF và Việt Nam rất bền chặt. Ngay cả trong dịch COVID-19, Thủ tướng Việt Nam vẫn dành thời gian tham gia trực tuyến các sự kiện của WEF và luôn nêu bật cơ hội của cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu khi đến Việt Nam. Dựa trên điều này, hai bên đạt được một thỏa thuận và đang biến nó thành hiện thực. Đó là xây dựng một trung tâm cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam tại TP.HCM.
Cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu hiểu được những cơ hội của họ ở Việt Nam, tiềm năng đầu tư vào sản xuất, chế tạo, công nghệ, tài chính… Tất cả những điều này nhấn mạnh vai trò và sự phù hợp của Việt Nam trong cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu. Và điều này có được là nhờ sự tham gia tích cực của Việt Nam vào WEF cùng các sự kiện khác.
Thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Thụy Sĩ
* Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Thụy Sĩ ra mắt ngay trước WEF Davos 2024. Với tư cách là chủ tịch diễn đàn này đồng thời là lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, ông có thể chia sẻ thêm về tiềm năng hợp tác giữa hai nước cũng như các dự định của ông?
- Ý tưởng về một diễn đàn kinh tế Việt Nam - Thụy Sĩ chắc chắn trước hết là nhằm thúc đẩy mối quan hệ kinh doanh, thương mại, đồng thời hỗ trợ đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Nhưng đó không chỉ là việc tập hợp những người có cùng chí hướng để tạo dựng mối quan hệ hợp tác. Quan trọng hơn là tình bạn, quan hệ hữu nghị được xây dựng từ diễn đàn đó.
Đây là một sáng kiến nhằm xây dựng vườn ươm sáng tạo các ý tưởng đổi mới, làm thế nào để có các mối quan hệ thương mại, hợp tác kinh doanh, làm thế nào để thúc đẩy sự tham gia của thế hệ trẻ ở cả hai nước… Tất nhiên hai nước có sự khác biệt về trình độ phát triển, hai nền văn hóa khác nhau nhưng không vì thế mà cho rằng Thụy Sĩ và Việt Nam có ít điểm chung.
Đầu tiên người dân Việt Nam và Thụy Sĩ đều là những người rất chăm chỉ. Văn hóa khác nhau, đồ ăn khác nhau, ngoại hình con người cũng khác nhau, nhưng chúng ta có cùng một tinh thần kinh doanh.
Tôi thực sự ấn tượng khi nhìn về Việt Nam và năng lực, sự sáng tạo của thế hệ tương lai trong cộng đồng khởi nghiệp, cũng như của các công ty hiện tại để tạo dựng doanh nghiệp. Điều này cũng tương tự ở Thụy Sĩ.
Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Thụy Sĩ sẽ là cơ hội tuyệt vời cho cả hai nước, hai nền kinh tế. Thứ nhất, đây không phải là một cuộc so kè về việc cải cách như thế nào giữa hai nước. Thứ hai, diễn đàn này thực sự tập trung mạnh vào Việt Nam và Thụy Sĩ.
Quy mô diễn đàn vẫn còn khiêm tốn, nhưng ý tưởng là tổ chức các cuộc họp thường xuyên nhiều hơn một lần mỗi năm. Chắc chắn chúng tôi sẽ sớm có một phiên họp tại Việt Nam để quy tụ cộng đồng người Thụy Sĩ hoặc người Đức tại Việt Nam dưới sự bảo trợ của Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Thụy Sĩ.
"Việt Nam luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư"
Tiếp tục chương trình tại Thụy Sĩ, ngày 17-1 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự tọa đàm "Việt Nam - Điểm đến hàng đầu ASEAN về đầu tư bền vững", với sự tham dự của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn Việt Nam và thế giới. Tại đây, Thủ tướng mong các nhà đầu tư tiếp tục đến với Việt Nam, mang tới nguồn vốn, công nghệ hiện đại, góp ý hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị hiện đại.
Ông khẳng định Việt Nam luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư. Chính phủ, các bộ ngành luôn lắng nghe, sẵn sàng đối thoại, chia sẻ, đàm phán, "đã hứa là làm, đã cam kết phải thực hiện" và cũng mong các nhà đầu tư theo tinh thần này.
Tiếp đó, Thủ tướng đã tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận "Các bài học từ ASEAN" và tiếp, gặp ngắn lãnh đạo một số tập đoàn và ngân hàng lớn của châu Âu như Tập đoàn Staboo, Tập đoàn Intel, Ngân hàng SEB; tổ chức quốc tế như WTO, ILO, WIPO…
Người đứng đầu Chính phủ cũng có cuộc hội kiến, gặp gỡ lãnh đạo các nước Thụy Sĩ, Slovakia và ủy viên Liên minh châu Phi. Trong đó, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd cam kết sẽ tiếp tục viện trợ phát triển cho Việt Nam, với hơn 40 dự án đang được triển khai trên các lĩnh vực, trong đó có việc chia sẻ kinh nghiệm về phát triển bền vững, giáo dục, doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Tối cùng ngày 17-1 (giờ Thụy Sĩ, rạng sáng 18-1 theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại tọa đàm "Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam".
Đây cũng là hoạt động cuối cùng trong khuôn khổ chuyến công tác Thụy Sĩ dự WEF Davos 2024 của Thủ tướng. Người đứng đầu Chính phủ sẽ rời Thụy Sĩ đến Hungary và bắt đầu chuyến thăm chính thức nước này trong ngày 18-1.
Gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Davos, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd cam kết tiếp tục viện trợ phát triển với hơn 40 dự án đang được triển khai trên các lĩnh vực.