Sáng 18-1, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo đó, Quốc hội đồng ý giao EVN được rót hơn 2.500 tỉ đồng thực hiện dự án kéo điện lưới ra Côn Đảo và 32 dự án giao thông là 57.730 tỉ đồng. Khoản tiền này được lấy từ dự phòng ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Dự án có giá thành điện thấp nhất
Với dự án kéo điện ra Côn Đảo, vốn cấp cho EVN hơn 2.526 tỉ đồng, chiếm khoảng 60% tổng vốn đầu tư dự án này. Nguồn lực còn lại của dự án kéo điện lưới ra Côn Đảo lấy từ vốn tự có của EVN, tương đương hơn 2.420 tỉ đồng.
Để dự án được triển khai hiệu quả, nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Thủ tướng quyết định, giao EVN là chủ đầu tư dự án.
Chính phủ chịu trách nhiệm, cam kết về chọn phương án cấp điện lưới là tối ưu để đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, giá thành và chi phí hợp lý; đánh giá tác động môi trường và đồng bộ với quy hoạch huyện đảo.
Bộ Công Thương chịu trách nhiệm thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, các nội dung liên quan về xây dựng, cũng như kiểm tra, giám sát và thanh tra nhằm không xảy ra trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, tiêu cực.
Tờ trình của Chính phủ cho hay dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tổng mức đầu tư dự án ước tính khoảng 5.000 tỉ đồng.
Cơ sở để lựa chọn phương án cấp điện cho dự án đã được Bộ Công Thương, EVN và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tính toán, đề xuất với 5 phương án cấp điện cho huyện Côn Đảo, đưa ra 6 tiêu chí đánh giá phương án.
Bao gồm phương án đầu tư nhà máy điện dùng diesel nổi và điện mặt trời hiện hữu, diesel hiện hữu; đầu tư nhà máy điện gió ngoài khơi; đầu tư nhà máy điện gió ngoài khơi và điện mặt trời hiện hữu; đầu tư nhà máy điện gió ngoài khơi, điện mặt trời và diesel, lưu trữ tích năng (BESS); cấp điện từ lưới điện quốc gia.
Đáp ứng các tiêu chí cung ứng điện
Theo đó, phương án cấp lưới điện quốc gia được lựa chọn do đáp ứng đủ 6 tiêu chí với giá thành điện năng thấp nhất.
Đó là đảm bảo đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng trưởng của huyện đảo, đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định và liên tục; mục tiêu hướng phát thải khí carbon, bảo vệ môi trường và bảo vệ sinh thái Vườn quốc gia Côn Đảo; chiếm ít diện tích sử đụng đất trên đảo và phù hợp với quy hoạch chung.
Theo chủ trương đầu tư dự án cấp điện lưới ra Côn Đảo được Chính phủ duyệt vào tháng 6-2023, tuyến đường dây kéo điện ra Côn Đảo sẽ gồm phần dây trên không 23,1km; cáp ngầm biển hơn 73km và cáp ngầm trên đảo 6,1km cùng các hạng mục khác.
Việc kéo điện này đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tại huyện đảo này tới năm 2025 là hơn 24,5MW và sẽ đạt 114,4MW vào năm 2045.
Cũng tại nghị quyết vừa thông qua, Quốc hội đồng ý phân bổ hơn 63.720 tỉ đồng cho các dự án đầu tư công thuộc 5 lĩnh vực như giao thông, quốc phòng an ninh, quản lý nhà nước và khoa học công nghệ...
Trong đó, 91% vốn sẽ rót cho 32 dự án giao thông, tức 57.730 tỉ đồng, nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại và phấn đấu có trên 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025.
Với các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, tại kỳ họp này Quốc hội chưa quyết định phân bổ cụ thể vốn cho các dự án chưa đủ thủ tục.
Thay vào đó, nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, trình Quốc hội xem xét, quyết định trước khi Chính phủ giao vốn.
Trường hợp cấp bách, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Với dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ trình Quốc hội quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công.
Ngày 16-1, nhiều đại biểu đã bày tỏ băn khoăn về đề xuất phân bổ vốn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để thực hiện dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo.